Hơn 2 tỷ phụ nữ trên toàn cầu: Mất cơ hội kinh tế bình đẳng

Khoảng 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động không có cơ hội kinh tế bình đẳng. Hiện có tới 178 quốc gia, vùng lãnh thổ đang duy trì các rào cản pháp lý ngăn cản sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế...

Đó là kết luận được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Báo cáo về “Phụ nữ, Doanh nghiệp và Pháp luật năm 2022”. Theo WB, mặc dù đang phải đối mặt với đại dịch Covid, 23 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để thúc đẩy sự hòa nhập kinh tế của phụ nữ trong năm 2021.

KHOẢNG CÁCH VỀ VIỆC LÀM VÀ THU NHẬP

Theo báo cáo của WB, phụ nữ tại 86 quốc gia đang phải đối mặt với một số hạn chế việc làm, trong khi 95 quốc gia không đảm bảo việc trả lương bình đẳng cho nữ giới giống như nam giới. Báo cáo còn cho thấy trên toàn cầu, phụ nữ mới chỉ có 3/4 các quyền hợp pháp mà nam giới được hưởng, với số điểm tổng hợp là 76,5/100 điểm, 100 điểm biểu thị sự ngang bằng hoàn toàn về mặt pháp lý.

Bà Mari Pangestu, Giám đốc điều hành Chính sách Phát triển và đối tác của WB, nhấn mạnh mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, khoảng cách thu nhập trọn đời dự kiến giữa nam giới và nữ giới trên toàn cầu vẫn lên tới 172.000 tỷ USD, gấp 2 lần tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của cả thế giới. “Trong bối cảnh thế giới đang hướng đến sự phát triển xanh, bền vững và bao trùm, các nước cần đẩy nhanh việc cải cách luật pháp để phụ nữ có thể phát huy hết tiềm năng, được hưởng các lợi ích đầy đủ và công bằng”, bà Mari Pangestu khẳng định.

Báo cáo “Phụ nữ, Doanh nghiệp và Pháp luật năm 2022” đo lường mức độ ảnh hưởng của luật và các quy định tại 190 quốc gia, vùng lãnh thổ trong 8 lĩnh vực liên quan đến cơ hội kinh tế của phụ nữ. Bao gồm khả năng tự do đi lại, môi trường làm việc, lương, kết hôn, thai sản, khởi nghiệp, tài sản và chế độ hưu trí. Bộ dữ liệu giúp xây dựng các tiêu chuẩn khách quan và có thể dùng để đo lường sự tiến bộ toàn cầu về bình đẳng giới.

Chỉ có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ, đều là thành viên của OECD, đạt được bình đẳng giới về mặt pháp lý. Điểm mới trong năm nay là cuộc khảo sát thí điểm tại 95 quốc gia, vùng lãnh thổ về quy định pháp lý trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em – một lĩnh vực quan trọng cần được hỗ trợ để phụ nữ đạt được thành công trong những công việc được trả lương. Một phân tích thí điểm về tác động của việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến trao quyền kinh tế cho phụ nữ cho thấy, có sự khác biệt giữa các quy định trên giấy tờ và thực tế mà phụ nữ phải trải qua.

Trên toàn cầu, số lượng cải cách được thực hiện nhiều nhất đối với các chỉ số về thai sản, lương và môi trường làm việc. Nhiều cải cách tập trung vào bảo vệ chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; cấm phân biệt đối xử về giới, tăng thời gian nghỉ có lương cho các cha mẹ mới sinh con và dỡ bỏ các hạn chế việc làm đối với phụ nữ. Các chỉ số về lương và thai sản có điểm trung bình thấp nhất trong Chỉ số Phụ nữ, Doanh nghiệp và Pháp luật, nhưng đã tăng lần lượt 0,9 điểm và 0,7 điểm trong năm 2020 lên đến điểm trung bình là 68,7 điểm và 55,6 điểm trong năm 2021. Mức tăng trong chỉ số thai sản chủ yếu xoay quanh chế độ cho phép người cha nghỉ sinh con và cho phép cả bố và mẹ nghỉ sinh con. Nhưng điểm số thấp cho thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh cải cách trong lĩnh vực này.

Bà Carmen Reinhart, Phó chủ tịch cao cấp kiêm chuyên gia Kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Phụ nữ không thể đạt được bình đẳng ở nơi làm việc nếu họ không bình đẳng ở nhà. Điều đó có nghĩa cần tạo môi trường bình đẳng và đảm bảo rằng việc có con không cản trở việc tham gia đầy đủ vào nền kinh tế và hiện thực hóa hy vọng và tham vọng của người phụ nữ”.

VIỆT NAM NỖ LỰC THU HẸP KHOẢNG CÁCH GIỚI

Việt Nam đang đứng thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới, hiện thu nhập của nữ giới ít hơn trung bình 3 triệu đồng so với nam giới mỗi năm. Tỉ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, trong khi nam giới nắm quyền ở vị trí cấp cao giữ một tỉ lệ vượt trội - 77,6%. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ dành nhiều hơn 14 giờ mỗi tuần so với nam giới để làm việc nhà, chăm sóc con cái và người cao tuổi.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, bình đẳng giới là một yếu tố không thể thiếu nếu Việt Nam muốn đạt tham vọng trở thành nước phát triển vào năm 2045. Bởi vì, mặc dù GDP, hạ tầng cơ sở có phát triển nhưng những yếu tố xã hội, trong đó có bình đẳng giới, chưa phát triển thì khó có thể nâng cao vị thế quốc gia của mình.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới (thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm giai đoạn 2011-2020), Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó thể hiện ở việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tỉ lệ nữ giới tham gia các cấp ủy Đảng khóa sau đã tăng hơn khóa trước. Cụ thể: Tỉ lệ nữ giới tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là 8,62%, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 11,4%. Nhiệm kỳ 2015-2020, lần đầu tiên có 3 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị (đạt tỉ lệ 15,78%).

Tỷ lệ nữ giới tham gia cấp ủy Đảng, đại biểu Quốc hội.

Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%, tăng thêm 3,11% vào khóa tiếp theo, đạt tỉ lệ 27,31%, cao hơn tỉ lệ chung của thế giới.

Kết quả bình đẳng giới còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Hiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì thế thực hiện phát triển một cách bền vững, trong đó có vấn đề bình đẳng, là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp hướng đến. Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại các vấn đề về giới trong khu vực doanh nghiệp. Số liệu năm 2020 tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, có đến hơn 71% phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia vào thị trường lao động, tỉ lệ phụ nữ có bằng đại học cao hơn 5% so với nam giới nhưng mức lương của họ thấp hơn 12% so với các đồng nghiệp nam. Hiện nay, trong tổng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, nữ giới chiếm 48,5%. Trong tổng số lao động làm việc ở các doanh nghiệp của cả nước, nữ giới chiếm 42,1% (trong đó, doanh nghiệp nhà nước 32,1%, doanh nghiệp ngoài nhà nước 36,3%, doanh nghiệp FDI 66,8%).

Tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), thời gian qua, các chương trình chính sách về bình đẳng giới của Chính phủ đã được xây dựng rất toàn diện và kịp thời. Nhưng để thúc đẩy bình đẳng giới từ đó nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội và doanh nghiệp, thì vấn đề bình đẳng nên được xuyên suốt và bao trùm trong các chiến lược và chính sách của doanh nghiệp. Điều này cần truyền thông, hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa.

Theo Báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề hơn tới phụ nữ ở Việt Nam, làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới vốn đã tồn tại dai dẳng trên thị trường lao động như: tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng nhẹ lên 10,8. Nhiều bà mẹ có con nhỏ không còn lựa chọn nào khác là phải hy sinh sự nghiệp hay rời khỏi thị trường lao động để chăm con khi trường học đóng cửa. Chính vì thế, việc doanh nghiệp tham gia thúc đẩy bình đẳng giới là vô cùng quan trọng.