Hồng Kông thành "thiên đường trú ẩn" để tránh trừng phạt của doanh nghiệp Nga

Các doanh nghiệp Nga đóng cửa văn phòng ở các kinh đô tài chính của phương Tây đang xem Hồng Kông như một điểm đến thay thế...

hongkong-1665561948.jpeg Siêu du thuyền 500 triệu USD của Nga neo đậu ở Nga tuần trước - Ảnh: Getty Images

 

Theo Bloomberg, điều này khiến nhiều quan chức Mỹ quan ngại rằng Hồng Kông đang trở thành một “thiên đường” để doanh nghiệp Nga tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.

"KHU VỰC PHÁP LÝ THÂN THIỆN HƠN"

“Nhiều công ty lớn, bao gồm cả công ty quốc doanh của Nga, đang tìm đến các doanh nghiệp luật Hồng Kông để giúp đưa họ đến Hồng Kông - một khu vực pháp lý thân thiện hơn so với những nơi như New York, London”, ông Sherman Yan, quản lý tại hãng luật ONC Lawyers, cho biết.

Ít nhất hai công ty luật khác ở Hồng Kông cũng đã được các công ty Nga tiếp cận. Trong đó, một số đã hỏi về việc huy động vốn tại thành phố này,  nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho biết.

“Doanh nghiệp Nga ngày càng quan tâm tới việc chuyển một số hoạt động nhất định sang Hồng Kông”, ông Yan cho biết. “Một số đang muốn thay đổi một phần đăng ký kinh doanh sang Hồng Kông nhưng vẫn giữ hoạt động ở Nga”.

Theo các nhà phân tích, Hồng Kông có thể mang đến cho các doanh nghiệp Nga cơ hội tiếp cận nguồn vốn vì Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Moscow và không áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.

Trong khi nhiều du thuyền Nga ở châu Âu đã bị tịch thu do biện pháp trừng phạt, một siêu du thuyền trị giá 500 triệu USD có liên quan đến tỷ phú Alexey Mordashov vừa xuất hiện ở Hồng Kông vào tuần trước. Nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, ông Mordashov là cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất thép Severstal PJSC và là người giàu thứ ba của Nga.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ngân hàng và công ty kiểm toán ở Hồng Kông có sẵn sàng làm việc với các doanh nghiệp Nga hay không bởi họ có nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Kể cả các ngân hàng ở Trung Quốc đại lục cũng do dự trong việc làm ăn với các quan chức Nga thuộc diện trừng phạt của Mỹ hồi năm 2019.

LIỆU CÓ DỄ?

Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần qua đã bày tỏ lo ngại về việc Hồng Kông trở thành nơi tránh lệnh trừng phạt của các cá nhân và doanh nghiệp Nga.

“Danh tiếng của Hồng Kông là một trung tâm tài chính phụ thuộc vào việc tuân thủ luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế. Việc các cá nhân và doanh nghiệp Nga có thể sử dụng Hồng Kông như một nơi trú ẩn an toàn để tránh biện pháp trừng phạt từ phương Tây đang đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của môi trường kinh doanh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Tập đoàn nhôm hàng đầu của Nga, United Co. Rusal International PJSC, đã bị đưa vào diện trừng phạt vào năm 2019, hiện đang niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông. Hồi năm 2016, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã ban hành một hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài niêm yết tại đây.

Trong một email gửi Bloomberg, người phát ngôn của Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông (HKMA) cho biết, theo Luật Hồng Kông, các ngân hàng không có nghĩa vụ nào liên quan đến các lệnh trừng phạt đơn phương do chính phủ nước ngoài áp đặt. Các ngân hàng phải đánh giá rủi ro đó và đối xử công bằng với khách hàng.

Theo HKMA, tính tới cuối tháng 6, các ngân hàng tại thành phố này hiện chỉ chịu rủi ro khoảng 800 triệu Đôla Hồng Kông (khoảng 102 triệu USD) liên quan tới Nga, giảm từ mức 2,6 tỷ Đôla Hồng Kông vào cuối tháng 2.

Nhà lãnh đạo Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) khẳng định tuân thủ pháp quyền và sẽ thực thi bất kỳ lệnh trừng phạt nào do Liên hợp quốc đưa ra.

“Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế. Chúng tôi có các quy tắc và quy định phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Lý phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 11/10.

hongkong-2-1665561966.png Siêu du thuyền 500 triệu USD của Nga neo đậu ở Nga tuần trước - Ảnh: Getty Images

 

Theo nguồn tin của Bloomberg, hiện tại việc giao dịch của các doanh nghiệp Nga thông qua Hồng Kông diễn ra khá đơn giản. Ví dụ, doanh nghiệp Nga có thể đưa Hồng Kông thành khu vực pháp ký trong hợp đồng khoản vay với các thực thể của Ấn Độ.

“Một số công ty Nga quan tâm tới Hồng Kông có quy mô lớn, một số là doanh nghiệp quốc doanh”, ông Yan cho biết nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.

Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, một số công ty bán lẻ có siêu thị và dịch vụ thanh toán đã cử người tới Hồng Kông để thăm dò tình hình.

Ông Yan cho biết ONC Lawyers nhận thức rõ các biện pháp trừng phạt và rủi ro về rửa tiền, do đó công ty từ chối làm việc với những cá nhân, doanh nghiệp thuộc diện bị trừng phạt. Bên cạnh đó, Hồng Kông cũng có nhiều hãng luật, ngân hàng và kiểm toán đến từ Mỹ hoặc Anh, do đó ít khả năng họ sẽ làm ăn với phía Nga.

“Doanh nghiệp Nga cũng sẽ phải tìm được cách để chuyển vốn sang Hồng Kông, trong bối cảnh các hãng luật và nhà băng tại đây đang từ chối thanh toán bằng đồng Rúp”, ông Yan phân tích.

Ngoài Hồng Kông, nhiều người giàu và doanh nghiệp Nga cũng đang tìm tới các khu vực pháp lý khác như Dubai để tránh trừng phạt. Các doanh nghiệp và Chính phủ Nga hiện đang thúc đẩy việc thay thế đồng USD bằng đồng Nhân dân tệ.