Nhan nhản công trình xây dựng sai phép tại Tam Đảo: Bộ Xây dựng yêu cầu làm rõ

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc kiểm tra, xử lý theo phản ánh của báo chí về việc hàng trăm công trình, khách sạn, homestay… xây không phép, sai phép tại thị trấn Tam Đảo.

Văn bản nêu rõ: Theo phản ánh của báo chí: “Việc hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây dựng không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ có trách nhiệm thuộc thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc”. 

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật các vi phạm (nếu có) theo thông tin báo chí đã phản ánh. 

Kết quả kiểm tra, xử lý đề nghị báo cáo về Bộ Xây dựng (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 31/12 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng. 

Trước đó, báo chí phản ánh về tình trạng ngột ngạt ở Tam Đảo. Theo báo Tiền phong, UBND huyện Tam Đảo cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã xác định được 15 công trình xây dựng vi phạm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo. 

Cụ thể, khách sạn Camellia xây dựng ngay sát công viên trung tâm và là một trong những khách sạn lớn nhất Tam Đảo hiện nay xây vượt 1 tầng và 1 tum so với giấy phép với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông. 

tm-img-alt
Nhiều công trình xây dựng vi phạm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) 

Khách sạn Century quy mô lớn xây dựng vượt 1 tầng so với giấy phép; khách sạn Thiên Phúc xây dựng không giấy phép; khách sạn Thanh Hải cải tạo nhưng không có giấy phép, cơi nới thêm phần diện tích đất phía sau cao 7 tầng; khách sạn Thắng Lợi không có giấy phép điều chỉnh và đã tự xây dựng thêm 200 m2; khách sạn Hương Sơn xây dựng thêm đơn nguyên mới 5 tầng không phép. Ngoài ra, còn hàng loạt công trình khách sạn khác quy mô lớn xây dựng sai phép, không có giấy phép xây dựng, cải tạo… 

Tại khu vực thôn 1 và 2, nhức nhối không kém là tình trạng đua nhau xây hàng trăm căn phòng homestay không phép, xây dựng trên đất canh tác, đất vườn, đất lâm nghiệp. Những căn phòng homestay hàn khung sắt, lợp tôn và hầu như không có thiết bị phòng chống cháy nổ. Nhiều hộ dân lắp dựng phòng homestay trong phần đất xen kẹt, tận dụng trên sườn núi cheo leo, rất nguy hiểm. Nhiều homestay nhằm tạo cảm giác mạnh cho du khách đã không lắp rào chắn cửa, nhà vệ sinh tạm bợ… 

Tam Đảo được ví như “Đà Lạt” của miền Bắc, từng được người Pháp gọi là “hòn ngọc của thiên nhiên”. Nhưng thời gian qua, cùng với việc phát triển du lịch lượng du khách đổ về Tam Đảo ngày càng đông, mật độ xây dựng dày đặc những lâu đài, khách sạn, nhà hàng... đang phá vỡ cảnh quan thơ mộng và thoáng đãng trước đây. 

Theo các chuyên gia quy hoạch, xuất phát từ sai lầm của các nhà quản lý, định hướng phát triển Tam Đảo chạy theo mục đích kinh tế. Từ một thị trấn nổi tiếng với du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, Tam Đảo đang ít dần cây xanh và "biến hình" thành đại công trường ngổn ngang. 

Bình luận về sự quá tải hạ tầng Tam Đảo, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho rằng, thị trấn Tam Đảo là khu cảnh quan thiên nhiên, khu du lịch nghỉ dưỡng. Việc cấp phép xây dựng công trình trong khu vực này phải tuân thủ nguyên tắc không phá vỡ, lấn át cảnh quan thiên nhiên. 

Hơn nữa, cần tính toán, cân nhắc khi cấp phép xây dựng công trình tại Tam Đảo để có mật độ xây dựng phù hợp, hài hòa với thiên nhiên. 

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, với những khu vực cảnh quan thiên nhiên, di sản thiên nhiên như Tam Đảo, việc cấp phép xây dựng không được vượt quá 9 tầng nổi. 

Công trình từ 9 tầng trở lên là công trình cao tầng sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Với các khu vực cảnh quan thiên nhiên cần tôn trọng quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế công trình với các khu chức năng khác nhau. Xây dựng công trình trong khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng phải khác với các khu đô thị bình thường. 

"Du khách đến với Tam Đảo là vì khí hậu đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên, vì vậy phải đặc biệt bảo vệ các yếu tố này", KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.