Lợi nhuận làm biến dạng quy hoạch
Theo KTS. Quốc An, việc tuyến đường Lê Văn Lương có những dự án được điều chỉnh nhiều lần, từ 5 tầng lên trên 30 tầng và có đến 19 dự án sai phạm “nâng tầng” trên một tuyến đường hơn 2km là điều không thể chấp nhận được. “Điều này không còn gọi là điều chỉnh mà là biểu hiện của cơ chế xin - cho. Tôi không hiểu sao người ta vẫn cố cãi rằng, điều chỉnh này là phù hợp. Phù hợp gì khi chất lượng cuộc sống người dân trên tuyến đường này và xung quanh đi xuống tệ hại với việc hằng ngày họ phải đối mặt cảnh tắc đường, thiếu không gian cây xanh...”, KTS Quốc An nói đồng thời nhấn mạnh, việc tăng mật độ xây dựng nhằm khai thác tối đa giá trị sử dụng đất, đem lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư. Và “biến dạng” quy hoạch quanh tuyến đường Lê Văn Lương là điều hiển nhiên, ai cũng thấy. Mật độ dân quá cao, mật độ xây dựng lớn, không gian đô thị bị thu hẹp, áp lực giao thông quá tải, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, ô nhiễm môi trường, chất lượng cuộc sống suy giảm.
KTS Quốc An cho biết thêm, từ quy hoạch ban đầu, cơ quan chức năng đã: Triển khai quy hoạch lại theo đề xuất của chủ đầu tư với nhiều lần điều chỉnh đồ án, điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế; Tiếp tục điều chỉnh từng dự án theo hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn. Sai phạm nghiêm trọng như hiện tại có sự tích luỹ của những sai phạm từ nhiều thời kỳ trước, do vậy, bất kỳ ai có liên quan tới quá trình phê duyệt, thẩm định, quản lý cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Theo KTS Quốc An, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt của cả nước và những vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như vậy phải có những hình thức xử lý nghiêm khắc, để lập lại trật tự, kỷ cương trong xây dựng cũng như điều hành xã hội. “Với chủ đầu tư, những phần vi phạm nâng tầng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước. Nhà nước nên thu ít nhất 70% lợi nhuận mà chủ đầu tư có được từ việc nâng tầng. Làm như thế mới đủ sức răn đe".
Khắc phục thế nào?
Trong kết luận số 39, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, với nhiều dự án chung cư dọc trục Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, UBND Thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã điều chỉnh quy hoạch sai quy định, theo xu hướng chuyển đổi công năng nhiều công trình thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn... Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây cũng chỉ rõ, không ít toà nhà chung cư sau nhiều lần được điều chỉnh từ thiết kế ban đầu chỉ 5 tầng tăng lên 30 tầng, nhiều dự án được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.
Anh Nguyễn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và các cơ quan có liên quan khắc phục những vi phạm, tồn tại đã nêu tại kết luận. Nhưng khắc phục bằng cách nào? Rút kinh nghiệm à? Đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng phải đưa ra, đề xuất phương án xử lý, để Hà Nội tham khảo, ví dụ như đập bỏ hoàn toàn các hạng mục công trình sai phạm này”.
Năm 2013, chị Nguyễn Phương, người mua chung cư ở khu Lê Văn Lương được môi giới mời chào với nhiều lời giới thiệu rằng, chủ đầu tư làm đầy đủ vườn hoa, nhà trẻ, khu vui chơi quanh dự án… Thế nhưng đến nay, phần đất để làm các công trình dịch vụ này được chủ đầu tư chuyển đổi thành khu thương mại và nhà ở và tiếp tục bán cho những người khác. “Lúc biết được thông tin sai phạm của chủ đầu tư từ kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, cư dân trong toà nhà xảy ra sai phạm này rất vui mừng, vì bức xúc của chúng tôi nhiều năm đã được cơ quan chức năng chỉ rõ. Như vậy, việc chúng tôi mua nhà không khác gì bị lừa. Vấn đề là với những sai phạm này, chúng tôi cho rằng, chủ đầu tư phải bồi thường cho cư dân”, chị Phương nói.