Kết quả kinh doanh đi lùi, nợ “đầm đìa”, PC1 dùng số trái phiếu trị giá 1,200 tỷ vào việc gì?

Năm 2022, các số liệu kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 ghi nhận kết quả không tốt. Đồng thời, bức tranh tài chính cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi số nợ của doanh nghiệp này nhiều năm qua đã vượt vốn chủ sở hữu nhiều lần.

Phát hành trái phiếu thiếu thông tin

Vừa qua, PC1 đã có thông tin chính thức về việc chậm giải trình thông tin về lô trái phiếu đã phát hành riêng lẻ trị giá 1,200 tỷ đồng năm 2022. Theo PC1, Công ty đã công bố thông tin trên chuyên trang trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhưng vì sai sót nên chưa công bố trên HOSE trong vòng 24h theo quy định.

Cụ thể, trong năm 2022, PC1 đã phát hành 12,000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng chia làm 2 đợt với tổng giá trị 1,200 tỷ đồng. Đợt 1, phát hành 3,000 trái phiếu vào tháng 3 - 4/2022.

Đến ngày 19/5/2022, Tập đoàn PC1 tiếp tục phát hành thêm 9,000 trái phiếu mã PC1H2227002 với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu; tổng giá trị phát hành là 900 tỷ đồng. Ngày hoàn tất là 29/7/2022, ngày đáo hạn 19/5/2027. Đại lý phát hành là Công ty chứng khoán Bản Việt (mã CK: VCI).

pc1-bi-cuc-thue-ha-noi-xu-phat-vi-pham-ve-thue-1677809993.jpg

Mới đây, Cục Thuế Hà Nội vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế tổng số tiền 1,54 tỷ đồng đối với PC1.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, được phát hành riêng lẻ thông qua đại lý theo hình thức bút toán ghi sổ.

Kỳ hạn trái phiếu là 05 năm, được áp dụng lãi suất cố định 10%/năm trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ còn lại được tính bằng tổng của 3,5% và lãi suất tham chiếu (trung bình cộng lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại BIDV, Agribank, Vietcombank và Vietinbank) nhưng không thấp hơn 10%/năm.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là cổ phiếu PC1 thuộc sở hữu của bên thứ 3 (cổ phần được cầm cố), với tỷ lệ tài sản đảm bảo trên tổng giá trị phát hành là 150%, và mức duy trì tối thiểu 120%.

Tuy nhiên, tại các văn bản số 0270/PC1-TCKT và 0830/CV-PC1-BTC của PC1 gửi HNX về việc công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, cả 2 lô trái phiếu nói trên đều không thể hiện chi tiết các thông tin về mục đích phát hành, lãi suất, tài sản đảm bảo, trái chủ,...

Nợ tăng mạnh, vượt vốn chủ sở hữu

Bên cạnh sự chậm trễ trong việc công bố các thông tin, những năm gần đây, kết quả kinh doanh của PC1 trong năm 2022 ghi nhận kết quả “đi lùi”. Đáng chú ý, số nợ của doanh nghiệp đã vượt vốn chủ sở hữu cho thấy nhiều rủi ro tài chính.

Cụ thể, kết thúc năm 2022, doanh thu của PC1 đạt 8,3 ngàn tỷ đồng (giảm 15%), lãi ròng ở mức 450 tỷ đồng (giảm 35%). Nguyên nhân của tình trạng này theo giải thích của PC1 do các yếu tố như 3 dự án điện gió đã vận hành nên chi phí lãi vay phát sinh không còn được vốn hóa; lỗ chênh lệch tỷ giá và lãi vay ngắn hạn trung bình 2022 đã tăng lên.

Ngoài ra, cũng theo các dữ liệu tài chính của PC1, giai đoạn từ năm 2018 – 2021, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của PC1 tăng gần gấp đôi, từ 5,084 tỷ đồng lên gần 10,000 tỷ đồng.

ket-qua-kinh-doanh-cua-pc1-nhung-nam-gan-day-1677810034.png

Kết quả kinh doanh của PC1 những năm gần đây.

Đáng chú ý, tốc độ tăng của doanh thu trong năm 2021 của PC 1 lên tới 47%, cao hơn nhiều so với mức tăng 14% - 15% của 2 năm liền trước. Tuy doanh “thu khủng” nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp khá “mỏng”.

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2019 của PC là 5,8 nghìn tỷ, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 376 tỷ (chiếm 6,4%). Trong năm tài chính 2020, doanh thu thuần của PC1 tăng lên mức 6,6 nghìn tỷ, lợi nhuận sau thuế 544 tỷ (chiếm 8,2%). Đến năm 2021, doanh thu của PC tiếp tục tăng lên mức 9,8 nghìn tỷ, lợi nhuận sau thuế 764 tỷ (chiếm 7,7%).

Được biết, PC1 thành lập từ năm 1963 có lĩnh vực hoạt động chính là xây lắp các công trình truyền tải điện quốc gia. Đến nay, công ty này đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đầu tư năng lượng, đầu tư bất động sản, tư vấn và dịch vụ.

Ngoài ra, trong lĩnh vực đấu thầu, doanh nghiệp này đã tham gia 428 gói  và trúng 170 gói với tổng giá trị hơn 9,000 tỷ đồng. Bản đồ đấu thầu của công ty PC1 trải dài từ Bắc vào Nam khoảng trên 40 tỉnh, thành, quan hệ đấu thầu rộng rãi với 59 bên mời thầu, đại đa số là các đơn vị ban quản lý dự án, công ty trực thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Bên cạnh việc mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, quy mô tài sản của PC 1 ngày càng “khủng”. 10 năm trở lại đây, quy mô tài sản của PC1 đã tăng tới 17 lần (từ 2012 đến tháng 9/2022). Tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của PC1 đạt 21 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số liệu các năm gần đây cho thấy, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh. Cụ thể, so với năm 2018, tại thời điểm ngày 31/12/2022 quy mô nợ phải trả tăng tới hơn 400%. Ngoài ra, tỷ trọng nợ phải trả trên tổng tài sản cũng tăng dần từ 50% (cuối năm 2018) đến 31/12/2022 cũng xấp xỉ 70%.

Đặc biệt, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhiều năm liền duy trì trên mức 100%, thậm chí có thời điểm tỷ lệ này đã lên tới 225%. Tương tự, nợ vay (gồm vay và thuê tài chính ngắn hạn và nợ vay và trái phiếu dài hạn) tăng tới 580,7%.

Do đó, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng tăng vọt từ 60% (năm 2018) lên tới 175% (vào cuối tháng 9/2022). Hiện tại, nợ vay của PC1 đã vượt qua vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc doanh nghiệp cần đi vay, huy động vốn bằng nhiều nguồn khác nhau là tất yếu. Tuy nhiên, việc PC1 có số nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn ẩn chứa nhiều rủi ro trong việc trả nợ.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, lãi suất ngân hàng đang ngày một tăng cao, việc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trả nợ cũng sẽ khó khăn hơn. Cần phải nói thêm, tham vọng mở rộng các hoạt động đầu tư vào các dự án mới như khai thác khoáng sản và bất động sản sẽ khiến tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2023.

Theo nhận định của giới chuyên môn, với việc thị trường bất động sản hiện gặp nhiều khó khăn cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng và gây áp lực lớn lên dòng tiền của PC1 trong thời gian tới.