Điểm môn Lịch sử biến động mạnh
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo các khối thi đại học với các tổ hợp được áp dụng phổ biến.
Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Nam Định là 7,047 - xếp thứ nhất toàn quốc.
Theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Nam Định là 7,047 - xếp thứ nhất toàn quốc. Tiếp đó là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Dương với mức điểm trung bình lần lượt là 7,026 và 7,021. Ninh Bình là địa phương đứng thứ 4 với điểm trung bình là 7 điểm.
Ngoài ra, các địa phương trong top 10 còn có: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thái Bình. 3 địa phương có điểm tốt nghiệp thấp nhất là: Hà Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông (điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Hà Giang là 5.617 điểm).
Với 6,582 điểm, TP. HCM tụt bốn bậc so với năm ngoái, xuống vị trí thứ 13. Hà Nội vẫn ở vị trí 25.
Theo nhận định của các chuyên gia tham gia cuộc họp phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 23/7, phổ điểm của các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân năm nay tương tự năm 2021, đặc biệt với môn Sinh học thì phổ điểm hai năm này gần như giống nhau.
Cũng như năm 2021, môn Sinh học có số học sinh điểm dưới trung bình khá lớn đến 50,79% cần xét đến tâm lý học sinh ít đầu tư thời gian cho môn học ít tổ hợp xét tuyển đại học (môn Sinh thuộc tổ hợp khối B, vốn có ít thí sinh theo học, với đặc thù chủ yếu dành cho khối ngành y dược, sinh học).
Trong khi đó, phổ điểm môn Lịch sử là thay đổi nhiều nhất. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 có gần 560.000 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử. Thống kê dựa trên dữ liệu điểm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy điểm trung bình là 6,34, cao nhất kể từ năm 2017 - khi môn Lịch sử được đưa vào tổ hợp môn Khoa học Xã hội dưới hình thức trắc nghiệm.
Các năm trước, điểm trung bình dao động trong khoảng 3,79-5,19 và Lịch sử cũng thường thấp nhất trong số 9 môn thi tốt nghiệp THPT.
Trong 5 năm qua, phổ điểm Lịch sử luôn lệch trái, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ lớn.
Năm 2018, hơn 83% thí sinh đạt điểm dưới trung bình, tương đương 468.628 em. Trong khi năm nay, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 127.557 em, chỉ chiếm tỷ lệ 19,34%.
Đặc biệt trong năm 2022, số thí sinh bị điểm liệt môn Lịch sử chỉ có 83 em, trong khi đó, số học sinh đạt điểm 10 là 1.779, tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2021 (266 em).
Những năm trước, học sinh bị điểm liệt nhiều, số học sinh đạt điểm tuyệt đối chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, điển hình năm 2018 chỉ có 11 em được 10 điểm, năm 2019 là 80 em.
Các chuyên gia đều nhận định điều này có nguyên nhân từ đổi mới cách ra đề như không đi vào những con số chi tiết bắt học sinh phải thuộc mà yêu cầu học sinh nắm những ý nghĩa của sự kiện lịch sử nhiều hơn, đây là dấu hiệu tốt về sự thay đổi sau khi các chuyên gia cũng như dư luận phản ánh.
Theo chiều hướng này, các thầy cô sẽ thuận lợi hơn trong việc tạo cho học sinh có hứng thú học tập bộ môn này.
Bên cạnh đó, môn Ngữ văn có điểm trung bình là 6,51 điểm. Trong đó, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 113.888 (chiếm tỷ lệ 11,6%).
Môn Vật lý có điểm trung bình là 6,72 điểm. Trong đó, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,25 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 38.047 (chiếm tỷ lệ 11,69%).
Môn Hóa học có điểm trung bình là 6,7 điểm. Trong đó điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8,0 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 49.900 (chiếm tỷ lệ 15,24%).
Môn Địa lý có điểm trung bình là 6,68 điểm. Trong đó điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 47.986 (chiếm tỷ lệ 7,3%).
Môn Giáo dục công dân vẫn là môn khả quan nhất, với điểm trung bình là 8,03 điểm. Trong đó điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8,5 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 5.723 (chiếm tỷ lệ 1,03%).
Có sự chênh lệch điểm thi và điểm học bạ
Theo kết quả thi được công bố, việc lệch nhiều giữa điểm trung bình học bạ và điểm thi ở một số địa phương chưa thay đổi nhiều theo chiều hướng tốt hơn mà vẫn như các năm trước. Năm nay, môn Sinh học là môn có độ lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều nhất.
Các chuyên gia cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những thống kê cụ thể hơn với từng trường THPT ở các Sở để xem xét việc cho điểm học bạ, nhất là ở những trường có sự chênh lệch quá cao.
Đây cũng là cảnh tỉnh cho những trường đại học đang xét điểm học bạ để tuyển sinh. Việc lệch nhiều này cũng cho thấy chúng ta cần kỳ thi này để biết những thực chất của việc dạy và học từng bộ môn ở các trường THPT để có những giải pháp chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn.
Một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Bình Dương, TPHCM… có tỷ lệ điểm cao ở nhiều môn hơn hẳn các địa phương khác và cũng sát với điểm học bạ. Trong khi một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên hoặc ĐBSCL điểm thấp hơn, và có độ chênh khá lớn so với học bạ.
Về phổ điểm tổ hợp của một số khối A, A1, D, B, C năm nay, các chuyên gia cho rằng đã có phổ điểm cho các khoảng chia khác nhau, điểm khác nhau.
Với tổ hợp Toán - Lý - Hóa (A), tập trung ở 21 - 26 điểm, những điểm cao trở lên ít hơn, điểm chuẩn khối này có thể cao hơn năm trước.
Năm nay khó có nhiều điểm tối đa. Tổ hợp Toán - Anh - Văn (D), tập trung ở 19 – 25 điểm, số học sinh điểm cao trên 28 giảm hơn trước.
Tổ hợp Toán - Lý - Anh (A1) tập trung ở 19 - 24 điểm, điểm từ 29 có thấp hơn. Tổ hợp Toán - Hóa - Sinh (B), dải điểm cao từ 18 - 25, khoảng điểm 28 - 29 ít hơn trước. Tổ hợp Văn - Sử - Địa (C) tập trung nhiều từ 18 - 23 điểm, không có thí sinh nào cao hơn 29 điểm
Với phổ điểm như trên, có thể thấy với nhiều tổ hợp xét tuyển không có biến động quá lớn về điểm trúng tuyển.
Mức phân hóa của đề thi năm nay ổn định cơ bản như 2021. Tổ hợp đạt điểm tối đa 3 môn cũng giảm đi rõ rệt. Nhưng tổ hợp điểm nằm trong khoảng 24-26 điểm sẽ không có biến động lớn.
Các tổ hợp có Ngoại ngữ sẽ giảm rõ rệt; có môn lịch sử, giáo dục công dân sẽ tăng rất rõ rệt. Phần lớn phổ điểm đủ để xét tuyển sẽ nằm trong khoảng 21-26.
Với các ngành có nhu cầu xã hội cao, điểm vẫn cao nhưng khó xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái.
Tổ hợp có môn Lý và Hóa, Địa lý, Giáo dục Công dân có sự tăng nhẹ. Cơ bản sẽ không có sự chênh quá lớn về điểm sàn để xét tuyển so với năm trước.