Khép lại năm 2022, nhìn lại những vụ án kinh tế đình đám

01/01/2023 18:50

Năm2022 đã khép lại với nhiều nốt nặng buồn bởi dịch bệnh Covid-19, thiên tai, lũ lụt. Đây cũng là năm nhiều cán bộ ở nhiều ban, ngành cùng “nhúng chàm” chỉ bởi một chữ: Tham!

“Quả bom” Việt Á rúng động ngành y tế

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, một số người nguyên là cán bộ cao cấp đã lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi như các vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và CDC một số địa phương. Tính đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và công an cả nước đã khởi tố 29 vụ án, 102 bị can để làm rõ nhiều tội danh. Trong số các bị can, có 8 người là cựu lãnh đạo, quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN…

Pháp luật - Khép lại năm 2022, nhìn lại những vụ án kinh tế đình đám

Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt.

Nhiều cán bộ “ngã ngựa” khi thực hiện “chuyến bay giải cứu”

Vụ chuyến bay "giải cứu" công dân trở về nước là bê bối nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020 và 2021; cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố và bắt tạm giam các cá nhân liên quan vào cuối năm 2021 và năm 2022. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã tổ chức gần 800 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Khi các chuyến bay được mở, nhiều người dân phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà.

Liên quan đến vụ án này, ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng 2 người khác đã bị khởi tố bắt giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Mới đây, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt giam ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cũng về tội Nhận hối lộ. Tính đến thời điểm này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 37 bị can gồm cán bộ của 6 bộ, ngành và các công ty liên quan.

 

Thao túng thị trường chứng khoán, Chủ tịch tập đoàn FLC bị bắt

Ngày 29/3/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC - để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán.  Ông Quyết bị xác định đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm thao túng giá chứng khoán và “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn xác định ông Quyết và đồng phạm đã nâng khống vốn FLC Faros từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng. Sau khi nâng khống vốn điều lệ, ông Quyết đã chỉ đạo bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên mình và 5 người nhờ đứng tên, thu về trên 6.400 tỷ và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Pháp luật - Khép lại năm 2022, nhìn lại những vụ án kinh tế đình đám (Hình 2).

Ông Trịnh Văn Quyết.

 

Tân Hoàng Minh chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư

Ngày 5/4, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh  bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đã phát hành 09 gói trái phiếu riêng lẻ để chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Ngoài ông Dũng, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người khác, trong đó có Đỗ Hoàng Việt - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, con trai ông Dũng.

Pháp luật - Khép lại năm 2022, nhìn lại những vụ án kinh tế đình đám (Hình 3).

Cha con Chủ tịch Tân Hoàng Minh.

Kết quả điều tra xác định từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên (Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông) và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

“Bông hồng” Vạn Thịnh Phát “xộ khám”

Ngày 8/10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 3 bị can khác là Trương Huệ Vân (SN 1988), Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng (SN 1984), Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương (SN 1972), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Pháp luật - Khép lại năm 2022, nhìn lại những vụ án kinh tế đình đám (Hình 4).

Bà Trương Mỹ Lan.

Theo cáo buộc, các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019.

Một số nguyên lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển bị khởi tố vì tham ô

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án Tham ô tài sản liên quan đến sai phạm tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ngày 13/4/2022, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, nguyên Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị; Đại tá Nguyễn Văn Hưng, nguyên Phó Tư lệnh; Thượng tá Bùi Văn Hòe, Phó trưởng Phòng Tài chính về tội Tham ô tài sản quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm với bị can Nguyễn Văn Sơn - Trung tướng, nguyên Tư lệnh và bị can Hoàng Văn Đồng - Trung tướng, nguyên Chính ủy.

Pháp luật - Khép lại năm 2022, nhìn lại những vụ án kinh tế đình đám (Hình 5).

Nguyên Tư lệnh Cảnh sát Biển Nguyễn Văn Sơn.

Triệt phá đường dây làm xăng giả có số lượng lớn

VKS Quân sự T.Ư vừa ban hành cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm liên quan đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam do bị can Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu.

Theo cáo trạng, năm 2019, sau khi quen biết, Đào Ngọc Viễn (54 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, cùng Phan Thanh Hữu nhiều lần rủ cựu Đại tá Phùng Danh Thoại, khi đó là Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, tham gia góp vốn kinh doanh xăng dầu. Viễn đề nghị Thoại góp 5 tỷ đồng để làm vốn mua hàng, lợi nhuận được chia vài tỷ đồng/năm. Thoại đồng ý góp vốn với Viễn, Hữu tổ chức buôn lậu xăng từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ và ăn chia theo tỉ lệ 60 - 40. Kết quả điều tra xác định, nhóm Hữu, Trọng “dầu”, Viễn, Cường và Thoại buôn lậu hơn 198,7 triệu lít xăng RON 95-III với tổng trị giá là gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Hữu hưởng lợi 105 tỷ đồng còn nhóm Viễn, Cường, Thoại hưởng lợi 157 tỷ đồng.

Sau khi góp vốn, Thoại đã được Viễn chia lợi nhuận từ việc buôn lậu 16 lần với tổng số tiền 18,3 tỷ đồng. VKS Quân sự T.Ư truy tố ông Phùng Danh Thoại tội Buôn lậu.

Liên quan tới vụ việc này, tháng 2/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã tổ chức bắt giữ, triệt phá đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, do Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn và đồng phạm cầm đầu; đã khởi tố 75 bị can với nhiều tội danh, trong đó khởi tố Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn về tội Buôn lậu.

Pháp luật - Khép lại năm 2022, nhìn lại những vụ án kinh tế đình đám (Hình 6).

Đại gia buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu hầu tòa.

2 dự án sai phạm của AIC khiến loạt cán bộ bị khởi tố

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra 2 vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và tiến hành  truy nã nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Ngày 29/4, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cùng đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh đầu tư tại Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 với tổng mức đầu tư 1.904 tỷ đồng, giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm chủ đầu tư. Trong quá trình đấu thầu mua sắm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đã xảy ra gian lận trong 12 gói thầu để Công ty AIC trúng gây thiệt hại 152 tỷ đồng.

Trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh dự án, hồ sơ đấu thầu 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thuộc dự án trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, các cán bộ thuộc chủ đầu tư, AIC; đơn vị tư vấn lập dự án, lập hồ sơ mời thầu, chấm thầu; đơn vị thẩm định giá đã thông đồng, nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư và giá gói thầu, thông đồng gian lận trong đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu để Công ty AIC trúng thầu 12 gói thầu với tổng giá trị 476,87 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, bước đầu xác định là 152 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố 9 bị can, trong đó có ông Phan Huy Anh Vũ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Hiện vụ án này đang được xét xử sơ thẩm.

Pháp luật - Khép lại năm 2022, nhìn lại những vụ án kinh tế đình đám (Hình 7).

Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xét xử vắng mặt.

Ngày 19/10, VKSND Tối cao đã phê chuẩn các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đối với bị can Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai để điều tra về tội Nhận hối lộ. 2 bị can này được xác định có liên quan tới vụ án trên. Vụ án này đang được xét xử sơ thẩm.

Tại Dự án Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, ngày 18/8, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra ban đầu xác định dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt năm 2012, với tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng, do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Theo cơ quan điều tra, các bị can đã có hành vi thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá ban hành chứng thư thẩm định giá theo giá cao hơn giá thị trường, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC để nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước trị giá 73 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Khép lại năm 2022, nhìn lại những vụ án kinh tế đình đám" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#