Khi nhiều tập đoàn đa quốc gia nhắm Việt Nam làm cứ điểm sản xuất

Việt Nam có những lợi thế nhất định trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dù kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với những bất ổn từ dịch bệnh, chiến sự Nga – Ukraine. Tất nhiên để biến những cơ hội thành hiện thực, vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cũng còn nhiều việc phải làm như phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh…

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022 đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Lợi thế rõ ràng

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm Ðan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia), cho biết gần đây các nước Bắc Âu đang có xu hướng chuyển dịch thương mại và đầu tư để không phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.

fdi-1659666879.jpg Vốn FDI thực hiện trong 7 tháng năm 2022 cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Về đầu tư, ngày càng nhiều dự án ở Bắc Âu dịch chuyển vào Việt Nam. Đơn cử, 7 tháng đầu năm nay, Đan Mạch đứng thứ 3 trong số các quốc gia đầu tư mới vào Việt Nam với tổng số vốn 1,32 tỷ USD. Dự kiến tháng 11 tới, Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik cùng Công nương sẽ dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực tăng trưởng xanh thăm chính thức Việt Nam.

Cung cấp thêm thông tin về sự kiện này, bà Thúy cho hay sẽ có khoảng 31 tập đoàn và 3 quỹ tín dụng tháp tùng Thái tử Đan Mạch sang Việt Nam tìm hiểu về môi trường đầu tư. Do vậy, Thương vụ khuyến nghị các địa phương cần nhanh chóng có chính sách thu hút, đón đầu sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư này.

Bên cạnh Đan Mạch, nhiều DN Thụy Điển cũng quan tâm tới đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tháng 7 vừa qua, một tập đoàn chuyên sản xuất ô tô, hiện có khoảng 72 nhà máy lớn trên thế giới đã về Việt Nam để khảo sát tìm hiểu đầu tư vào thị trường ô tô Việt Nam.

Liên quan tới hoạt động đầu tư, bên lề Kỳ họp thứ III, Hội đồng tư vấn Kinh Doanh APEC (ABAC 3) mới đây, tỉnh quảng Ninh đã tổ chức Hội xúc tiến đầu tư. Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào khu công nghiệp Deep C với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1,5 tỷ USD và lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án trị giá gần 60 triệu USD.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay địa phương này ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, du lịch dịch vụ, năng lượng tái tạo… Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, chiến lược từ các quốc gia trên thế giới, Quảng Ninh đã tiếp thu được nhiều khuyến nghị của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ singapore, Hoa Kỳ, Thái Lan.

Theo TS. Phan Hữu thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế, việc vốn FDI thực hiện tăng mạnh cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài. Với sự ổn định chỉ số kinh tế vĩ mô, đồng thời nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư không ngừng của Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư có giá trị tỷ USD đang rót vốn vào Việt Nam.

Tương tự, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá trong bối cảnh thu hút vốn FDI có suy giảm nhẹ nhưng dòng vốn đăng ký bổ sung tăng đều qua các năm. Điều này đã thể hiện rất rõ, Việt Nam đang nắm lợi thế thu hút đầu tư dù dịch bệnh, chiến sự Nga – Ukraine vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt

Cơ hội là điều mà ai cũng thấy nhưng cũng đi kèm với rất nhiều thách thức. Trong đó là sự cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thời gian gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới cũng thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài cho phù hợp với bối cảnh mới như: Uỷ ban Châu Âu (EC) công bố hướng dẫn mới giảm miễn xem xét một số hoặc tất cả nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng danh mục lĩnh vực xem xét; Trung Quốc mở rộng thêm 10% danh sách các ngành khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài; Úc cấp phép miễn phí cho các nhà cung cấp dịch vụ quản lý quỹ tài chính để thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp; Indonesia đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình cấp phép, quy tắc nhập cư, hài hòa các luật và quy định cụ thể của từng lĩnh vực.

fdi-2-1659666980.jpg Thu hút dòng vốn FDI không chỉ vào lĩnh vực sản xuất mà cần hướng vào các ngành kinh tế sáng tạo.

Vì vậy, TS. Phan Hữu Thắng cho rằng Việt Nam cần phải chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để thu hút được dòng vốn ngoại. Trong đó, cơ sở hạ tầng hết sức quan trọng để tăng cường thu hút FDI cả về chất và lượng. Thực tế đã chứng minh, địa phương nào có cơ sở hạ tầng tốt như Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh… sẽ được các nhà đầu tư rất quan tâm. Vì vậy, nên xem phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những trọng tâm để xây dựng kết cấu hạ tầng tốt, đồng thời liên kết phát triển hạ tầng giữa các địa phương trong vùng với nhau.

Bên cạnh đó, chiến lược thu hút FDI cần phải triển khai với tư duy mới, phù hợp với xu thế thời đại công nghiệp 4.0. Trong đó, cần đặc biệt khắc phục tình trạng cạnh tranh ưu đãi xuống đáy giữa các địa phương với nhau. Phương án khắc phục sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các địa phương là quy hoạch sự phát triển của doanh nghiệp FDI, ví dụ ngành điện lực cần bao nhiêu nhà máy năng lượng tái tạo và các dự án nên đặt ở địa phương nào để có điều kiện phát triển tốt nhất.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, từ quá trình đầu tư tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn phản ánh những bất cập về hạ tầng liên vùng, liên kết giữa các địa phương, tăng lợi thế của cả khu vực chưa được phát triển. Chi phí vận tải, logistics… là quan ngại của các DN FDI khi đầu tư vào các vùng kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc thu hút dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo còn vấp phải nhiều khó khăn về cơ chế thử nghiệm sandbox, đồng tiền số… Đây là hạ tầng mềm rất quan trọng để thu hút dòng vốn chất lượng cao, vì nền kinh tế không phải chỉ là gia công, lắp ráp mà cần phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, trải nghiệm… Thế giới đang phát triển nền sản xuất sáng tạo đòi hỏi nền tảng mới về thể chế.

Cùng với đó, Việt Nam cần phải cải thiện, nâng cao bảng xếp hạng ở các chỉ số về chất lượng nguồn nhân lực, tranh chấp, bản quyền, tham nhũng… Làm được điều này sẽ giúp Việt Nam đón đầu, thu hút được sự chuyển dịch của dòng vốn chất lượng cao trên thế giới.

So với quốc gia trong khu vực, ông Việt thẳng thắng cho rằng, nếu nhìn sang Singapore, đây là điển hình thành công về thu hút dòng đầu tư quốc tế. Họ thu hút FDI gấp 3 lần so với quốc gia khu vực. Quốc gia này đã rất thành công trong định hướng thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất mới, kinh tế sáng tạo… Điều này cho thấy rõ ràng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.

cuong-1659667092.png

Ông Nguyễn Đức Cường

Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên

Hết tháng 6/2022, tỉnh Thái Nguyên thu hút được 271 dự án đầu tư, trong đó 134 dự án FDI đầu tư vào các khu công nghiệp của địa phương. Trong số dự án FDI vào khu công nghiệp tỉnh Thái nguyên, trên 80% dự án đạt các các tiêu chí dự án đầu tư công nghệ cao. Đây là nguồn lực lớn đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua. Tỉnh tập trung xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, từ đó thu hút nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào khu công nghiệp tỉnh với các ngành công nghệ cao, hiện đại.

 

minh-1659667333.png

Ông Nguyễn Hải Minh

Phó Chủ tịch DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Sự quan tâm của nhà đầu tư châu Âu đến Việt Nam ngày càng lớn. Việt Nam cũng mở cửa nhiều hơn, cải cách mạnh mẽ hơn để hấp thụ dòng vốn đầu tư. Khảo sát của EuroCham cho thấy 90% nhà đầu tư khi tham gia khảo sát trả lời rằng Việt Nam cần cải thiện và tạo ra nền tảng tốt hơn cho đầu tư xanh và thân thiện môi trường. Có như vậy, chúng ta mới hấp thụ được dòng vốn chất lượng cao vào DN châu Âu.

 

lam-1659667417.png

TS. Nguyễn Bích Lâm

nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Xét về lợi thế cạnh tranh, Việt Nam đang có những ưu điểm như môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng… Tuy nhiên, cơ hội luôn đan xen những thách thức đi kèm như môi trường đầu tư của Việt Nam hiện còn một số bất cập chưa được khắc phục, hạn chế về năng lực quản lý, kết cấu hạ tầng, thủ tục đầu tư, thiếu lao động có kỹ năng… Những bất cập này cần phải được sớm khắc phục để Việt Nam tận dụng được các cơ hội và thích ứng với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu.