Khó có chuyện lây lan virus qua hệ thống điều hòa thông gió chung cư

Xét về quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ khó có chuyện lây lan virus qua các hệ thống điều hòa thông gió hoặc đường ống kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, các đối tượng tham gia quản lý nhà chung cư như Ban quản trị hoặc một bộ máy nào đó tương tự thường xuyên phải kiểm tra đường ống thông gió để đảm bảo an toàn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thành Đạt)

Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng trước việc nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại: Liệu có hay không nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 thông qua hệ thống điều hòa, thông gió tại các khu chung cư hiện nay?

Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 tại các tòa chung cư thông qua hệ thống điều hòa trung tâm, hệ thống thông gió. Xin được biết quan điểm của ông về vấn đề này?

PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Quan điểm ở góc độ cơ quan chuyên môn quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà chung cư, chúng tôi đã có quy chuẩn 04 về nhà chung cư và các tiêu chuẩn về hệ thống điều hòa.

Trong thiết kế, tất cả các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế, công tác nghiệm thu bàn giao đi vào sử dụng đều phải kiểm tra an toàn cho tòa nhà, trong đó có cả kiểm tra hệ thống về điều hòa, thông gió.

Về hệ thống điều hòa, chúng tôi có tiêu chuẩn thiết kế. Bao giờ cũng vậy, đường thiết kế hệ thống lấy khí tươi vào trong tòa nhà và hút khí thải ra - hai hệ thống này độc lập. Trong tiêu chuẩn cũng đã quy định ống thải ra và ống hút khí vào phải cách nhau tối thiểu 5m.Về nguyên tắc giữa phần ra và phần hút vào tương đối độc lập nên không có chuyện xả của nhà này ra thì hút của nhà kia vào.

Thứ hai, trong nhà có các hệ thống kỹ thuật, các đường ống thông hơi, ví dụ như các hộp kỹ thuật trong các tòa nhà chung cư có thể chạy theo phương đứng từ trên xuống dưới để hút hơi. Hệ thống hộp kỹ thuật này được chế tạo để áp suất ở trong đó luôn là áp suất âm, tức là áp suất hệ thống kỹ thuật này thấp hơn so với áp suất ở trong nhà. Bởi vậy chỉ có một luồng gió từ trong nhà ra hệ thống kỹ thuật và hút thẳng lên trên mái nhà chung cư.

Do vậy, xét về quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ khó có chuyện lây lan COVID-19, virus qua các hệ thống điều hòa thông gió hoặc đường ống kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, các đối tượng tham gia quản lý nhà chung cư như Ban quản trị hoặc một bộ máy nào đó tương tự thường xuyên phải kiểm tra đường ống thông gió. Bởi nếu như đường ống thông gió không hoạt động thì rất có thể không khí ở trong ống thông gió đó sẽ quay ngược vào trong nhà.

PV: Như ông vừa cho biết, với các chung cư cao tầng nếu được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng thì nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 sẽ khó. Thế còn với các chung cư cũ thì sao? Và theo ghi nhận của ông, hiện các chung cư ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực tế trong quá trình xây dựng đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng hay chưa?

PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng. (Ảnh: Tâm Anh)

PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Theo tôi, chung cư cũ được xây dựng qua rất nhiều giai đoạn. Có những chung cư xây dựng những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước đã xuống cấp và đa phần dùng thang bộ (4-5 tầng). Các chung cư hồi xưa hành lang là hành lang hở (tức là lối đi luôn luôn tiếp xúc với không gian bên ngoài), căn hộ thì tương đối nhỏ.

Trong các khu chung cư này, vấn đề điều hòa, thông gió theo đánh giá của tôi thì không có vấn đề gì. Bởi nó thoát trực tiếp ra bên ngoài, không có không gian chung và kín như các căn chung cư mới xây dựng gần đây.

Chung cư mới xây dựng gần đây là chung cư sử dụng thiết kế hành lang chung, với hai dãy căn hộ ở hai bên thì mới đáng lo lắng về việc có lây nhiễm ở hành lang chung này hay không. Còn về phần đường ống kỹ thuật trong các khu chung cư cũ thì đa phần phát thải trực tiếp ra bên ngoài. Trong khi theo các chuyên gia y tế, khi phát thải ra bên ngoài thì lượng virus rất thấp, nhiệt độ lại cao nên việc lây lan trong không khí đã bị pha loãng ở bên ngoài sẽ hạn chế, ít xảy ra.

Đối với các chung cư xây dựng từ năm 2000 đến gần đây, khi thiết kế người ta cũng tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Quy chuẩn của Bộ Xây dựng ngày càng chặt, đặc biệt quy chuẩn mới nhất chúng tôi ban hành từ năm 2019 đến nay thì việc kiểm soát rất là tốt.

Còn với các chung cư từ năm 2000 đến trước năm 2019 thì trong chỉ đạo của Bộ Xây dựng, chúng tôi có đề xuất phải kiểm tra lại những vấn đề về điều hòa, thông gió. Nếu có vấn đề gì chưa tuân thủ quy chuẩn phải có kiến nghị để ban quản trị, chủ đầu tư, nhà vận hành luôn luôn phải kiểm soát và cập nhật.

PVTrước những lo ngại của người dân về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các khu chung cư cao tầng, ông có khuyến cáo gì?

PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Để chúng ta sống an toàn trong mùa dịch ở các tòa nhà chung cư, theo tôi: Thứ nhất, phải tuân thủ 5K. Thứ hai, thang máy chỉ vận hành khoảng 50% công suất, khử khuẩn thường xuyên cho thang máy. Thứ ba, hành lang chung ở trong các chung cư, đặc biệt là ở các tòa nhà chung cư dùng để cách ly F0 hoặc F1, chúng ta phải để thông gió tự nhiên hoặc có biện pháp cơ học, chứ không nên dùng điều hòa tổng để điều hòa các không gian chung như là sảnh chung cư hoặc hành lang.

Bởi tôi biết một số chung cư cao cấp, người ta dùng điều hòa tổng để làm mát các không gian chung, trong đó có sảnh nhà chung cư, hoặc hành lang. Còn trong nhà, căn hộ có cách ly F0 cũng phải kiểm tra tất cả các hệ thống thông gió ngang từ trong nhà ra hành lang và hoàn toàn phải bịt kín. Trong căn hộ có F0 ta phải chọn 1 phòng mà nó độc lập, nghĩa là có tường ngăn dưới mặt sàn lên đến tận trần và các đường ống kỹ thuật đi giữa các phòng chúng ta cũng phải bịt kín lại. Phòng chứa F0 có cửa sổ mở ra ban công để thoáng ra bên ngoài và không dùng điều hòa cho phòng này, đúng theo nguyên tắc của Bộ Y tế.

Như vậy, chúng ta sẽ hạn chế được việc mà lây lan. Nếu chúng ta làm đúng quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn thì khó có thể xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, khâu vận hành cũng phải thường xuyên được kiểm tra cho đảm bảo an toàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!