Dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã kéo dài 18 năm, qua rất nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh, khiến ngư dân gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, dự án khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa - Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình) cũng "treo" nhiều năm khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
"Tối hậu thư" với dự án kéo dài 18 năm
Không thể chấp nhận sự chậm trễ kéo dài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ra "tối hậu thư" với dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, nằm phía Đông huyện đảo Lý Sơn, được triển khai từ năm 2004. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (năm 2010), dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với diện tích hơn 43 ha, trong đó quy mô vũng neo đậu 21,6 ha; tổng kinh phí hơn 400 tỉ đồng. Thế nhưng, sau gần 12 năm triển khai giai đoạn 2, dự án vẫn trong tình trạng ngổn ngang, dang dở bởi hàng ngàn khối đất đá khắp nơi, các hạng mục nạo vét chưa hoàn thành, hàng ngàn mét vuông đất bị người dân lấn chiếm làm nhà cửa…
Sau gần 20 năm triển khai, dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn ngổn ngang .Ảnh: TỬ TRỰC
Ban đầu, dự án này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, sau đó giao lại cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn. Do ban quản lý dự án này hoạt động yếu kém, đầu năm 2021, tỉnh sáp nhập ban này và chuyển dự án cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
Ông Đỗ Tâm Hiển, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sau khi tiếp nhận dự án vào đầu năm 2021, ban đã phối hợp các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục làm dang dở trước đó. Đến cuối năm 2021, một số hạng mục phụ của dự án mới hoàn thành, bàn giao cho đơn vị quản lý. "Còn 2 gói thầu chính (số 15 và 16) đến thời điểm này dù đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng nhưng vẫn còn nhiều việc phát sinh như người dân lấn chiếm đất làm nhà, trồng hành tỏi; có nhiều đá san hô kết cứng và đá bazan đen không thể nạo vét bằng các thiết bị cơ giới thông thường… Do đó, chúng tôi phải tạm dừng thi công để tính toán, thay đổi biện pháp thi công" - ông Hiển nói.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho ngư dân khi có thiên tai, bão tố cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lý Sơn. "Để dự án kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay chưa hoàn thành là không thể chấp nhận… Việc này xuất phát từ sự yếu kém của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện. Đây là bài học mà các sở, ngành liên quan trực tiếp tham mưu cho cấp có thẩm quyền cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc ngay" - ông Minh nói.
Cũng theo ông Đặng Văn Minh, để dự án sớm đưa vào sử dụng, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét kiến nghị của chủ đầu tư, giải quyết những vướng mắc…, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi tham mưu xem xét điều chỉnh tiến độ, trình trước ngày 15-3 để điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án trong năm 2022. "Nếu chủ đầu tư, chính quyền huyện Lý Sơn và các đơn vị liên quan vì nguyên nhân chủ quan, không tháo gỡ vướng mắc để dự án tiếp tục chậm trễ kéo dài, tạo dư luận xấu trong nhân dân, sẽ bị tỉnh xử lý kỷ luật theo quy định" - ông Minh khẳng định.
Dự án 6 năm vẫn nằm trên giấy
Dự án khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa - Đảo Yến có diện tích hơn 60 ha ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2016, do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư, nhiều năm qua vẫn nằm trên giấy. Trong khi đó, hàng chục hộ dân vẫn sống lây lất bên dự án "treo" vì chưa nhận tiền bồi thường để tái định cư đúng với cam kết.
Đại diện của một trong những gia đình phải bỏ hoang ruộng vườn nằm trong vùng quy hoạch dự án khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa - Đảo Yến (Quảng Bình), mòn mỏi chờ đền bù .Ảnh: HOÀNG PHÚC
Theo nhiều hộ dân ở xã Quảng Đông nằm trong khu vực quy hoạch dự án khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa - Đảo Yến, khu vực họ đang sinh sống giáp với biển nên đến mùa mưa bão hằng năm là họ lo lắng, bởi đất đã bị thu hồi, nhà cửa xuống cấp cũng không được phép xây mới hay sửa chữa, vườn cũng bị cấm trồng cây canh tác nên chẳng biết kiếm đâu ra tiền. Trong khi đó, chủ đầu tư vẫn chậm chi trả tiền bồi thường khiến họ rơi vào cảnh "đi cũng dở, ở không xong".
Quá bức xúc, các hộ dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành với mong muốn các cấp quan tâm giải quyết thấu đáo quyền lợi cho bà con nhưng mọi việc vẫn không tiến triển.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quảng Trạch, hiện có 39 hộ dân bị ảnh hưởng trong khu vực dự án vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, với tổng số tiền ước tính gần 27 tỉ đồng. UBND huyện đã nhiều lần gửi văn bản hối thúc, đề nghị nhà đầu tư bố trí kinh phí chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân nhưng đáp lại là sự im lặng khó hiểu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân đồng thuận với các phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định. Tuy nhiên, khi người dân đã đồng thuận thì phía chủ đầu tư lại chậm bố trí kinh phí chi trả khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.
Chủ đầu tư phớt lờ cả UBND huyện
Sau nhiều lần gửi văn bản hối thúc không có kết quả và bị phớt lờ khó hiểu, mới đây, tháng 11-2021, UBND huyện Quảng Trạch tiếp tục phát văn bản gửi Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh.
Văn bản nêu rõ: "UBND huyện Quảng Trạch đã nhiều lần mời Tập đoàn Trường Thịnh họp để giải quyết các kiến nghị của người dân và có nhiều văn bản đề nghị bố trí kinh phí để chi trả nhưng đến nay, công ty này vẫn không phối hợp để giải quyết và không bố trí kinh phí chi trả cho người dân".