Dù bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng nhiều hạng mục vẫn tồn tại
Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa lại đồng ý cho doanh nghiệp trên thuê lại chính dự án vừa bị thu hồi để kinh doanh du lịch mà không qua đấu giá. Điều này gây bất bình trong dư luận!
Cấp Giấy chứng nhận đầu tư sai quy định?
Dự án Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) có diện tích hơn 16,8 ha, trong đó có hơn 13 ha là mặt nước Hồ chứa nước Kênh Hạ I được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hải Đăng ngày 7.5.2014. Mục tiêu đầu tư, xây dựng Khu Du lịch sinh thái vui chơi, câu cá, nhà hàng… đáp ứng nhu cầu giải trí du khách trong nước và nước ngoài. Thời gian hoạt động là 30 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Thời gian hoàn thành thủ tục xây dựng, đất đai, PCCC, môi trường để dự án được cấp phép xây dựng chậm nhất là 9 tháng sau ngày 7.5.2014. Thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng chậm nhất là 18 tháng kể từ ngày được cấp phép xây dựng. Thế nhưng khi chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, Công ty TNHH Hải Đăng đã cho xây dựng hồ bơi, nhà hàng, khu vui chơi, phòng lưu trú qua đêm. Trên khu vực Hồ chứa nước Kệnh Hạ I, Công ty TNHH Hải Đăng còn đầu tư 10 thuyền gỗ phục vụ chở khách, 10 thuyền đạp vịt 2 chỗ ngồi, nhiều chòi tạm lợp lá dừa phục vụ câu cá ven bờ…
Theo tìm hiểu của Văn Hóa, ngày 20.2.2019, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, đã ban hành quyết định số 32/QĐ-SKHĐT chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng, yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án theo quy định. “Lý do chấm dứt hoạt động là nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư theo quy định tại: Điểm đ Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26.11.2014”, văn bản Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa chỉ rõ.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng cho Công ty TNHH Hải Đăng để khai thác hoạt động du lịch sinh thái là không đúng theo quy định của pháp luật. Bởi dự án này nằm trong khu vực Hồ chứa nước Kênh Hạ I đã được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa quản lý, khai thác, bảo vệ. Như vậy, diện tích dự án Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước đó đã chồng lên đất của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa đang quản lý.
Cho thuê không qua đấu giá
Mặc dù dự án Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng đã bị chấm dứt hoạt động, thu hồi Gấy chứng nhận đầu tư, nhưng Công ty TNHH Hải Đăng vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch nhiều năm nay. Trong vai du khách, Văn Hóa đã đến Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng để tìm hiểu. Trao đổi với chúng tôi, cô nhân viên lễ tân tại đây cho biết, nếu là khách đến vui chơi tại Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng thì phải mua vé vào cổng 50.000 đồng/khách. Nếu là khách đoàn vào đặt tiệc, ăn uống thì có thể miễn mua vé tham quan. Khách muốn ở lại đêm tại đây, thì liên hệ trước để được phục vụ vì chúng tôi chỉ có 3-5 phòng lưu trú, giá 500.000/phòng/đêm.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của Văn Hóa: Vì sao Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng đã bị chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn tổ chức hoạt động đón khách, bán vé thu tiền? Ông Lê Xuân Hải Đăng, Giám đốc điều hành Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng cho biết, tôi chưa hề biết việc chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng. “Tôi cũng mới về điều hành Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng nên các thủ tục đầu tư của dự án trước đây không nắm rõ. Các anh muốn nắm bắt thì liên hệ với ông Lê Xuân Thơm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng”, ông Lê Xuân Hải Đăng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Thơm thừa nhận: Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng đã bị chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận. Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng vẫn hoạt động là Công ty TNHH Hải Đăng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa, thuê lại khu mặt nước Hồ chứa nước Kênh Hạ I để kinh doanh du lịch.
Theo tài liệu chúng tôi có được thì sau khi chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ lại ký văn bản đồng ý cho phép Công ty TNHH Hải Đăng thuê lại Hồ chứa nước Kênh Hạ I để kinh doanh du lịch. Theo đó, Công ty TNHH Hải Đăng hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình Hồ chứa nước Kênh Hạ I, thuộc hệ thống công trình thủy lợi do Công ty Nam Khánh Hòa quản lý. Công ty TNHH Hải Đăng cũng đã ký hợp đồng thuê hơn 16,8 ha tại đây (gồm có hơn 13 ha là mặt nước Hồ chứa nước Kênh Hạ I và gần 4ha đất quanh hồ) nhưng không qua đấu giá, thời hạn thuê là 5 năm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc Công ty TNHH Hải Đăng lập cổng, bán vé khiến khách không thể vào tham quan Khu Di tích căn cứ cách mạng Đồng Bò nằm phía trong. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Xuân Thơm quanh co giải thích, nếu khách muốn vào tham quan di tích căn cứ cách mạng Đồng Bò thì phía Công ty sẽ cho người dẫn lên tận nơi. Nhưng thực tế khi chúng tôi đến tham quan Khu Di tích này thì chẳng có nhân viên nào của Công ty hướng dẫn và đường lên Khu Di tích đã bỏ hoang, cỏ mọc rậm rạp.