Khu vực dịch vụ sụt giảm vì dịch bệnh COVID-19

Nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề khi GDP quý III/2021 giảm 6,17% là mức giảm rất sâu và 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các khu vực kinh tế.
 Giãn cách xã hội do dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới khu vực dịch vụ (Ảnh: HNV)

Cùng với sự khởi sắc kinh tế toàn cầu và tiếp nối kết quả đã đạt được của năm 2020 những tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định và bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi nhưng có xu hướng chậm dần, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh so với năm 2020, lạm phát gia tăng nhưng nhìn chung vẫn được kiểm soát trên toàn thế giới.

Ngoài ra, đại dịch đã gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm cho giá nguyên liệu sản xuất tăng là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các quốc gia. Nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề khi GDP quý III/2021 giảm 6,17% là mức giảm rất sâu và 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các khu vực kinh tế.

Infographic khách quốc tế đến Việt Nam (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 

Theo Tổng cục Thống kê, quý III/2021, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ giảm 9,28% so với cùng kỳ 2020 cao hơn nhiều mức giảm 6,17% của toàn nền kinh tế và mức giảm 5,02% của khu vực Công nghiệp và Xây dựng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch khi có mức tăng trưởng dương 1,04%. Cũng trong 9 tháng 2021, dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế. GDP 9 tháng năm nay chỉ tăng 1,42%, trong đó, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất giảm 0,69%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%;  khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%.

Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế như: Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ 2020; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%. Một số ngành có tốc độ tăng so với cùng kỳ 2020, góp phần giảm thiểu mức sụt giảm của ngành dịch vụ như: Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%.

Khu vực doanh nghiệp là động lực chính, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ khi có số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 41,6 nghìn doanh nghiệp trong đó phần lớn đến từ khu vực dịch vụ.

Niềm tin vào thị trường sụt giảm làm cho số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ 2020, trong đó khu vực dịch vụ có 60,9 nghìn doanh nghiệp (chiếm 71,3% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), giảm 9,5%. Ngoài ra, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong khu vực dịch vụ là  22,6 nghìn doanh nghiệp (chiếm 69,8% tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động), giảm 6,3% so với cùng kỳ 2020.

Đáng chú ý, 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ 2020, trong đó du lịch lữ hành chịu ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm tới 64%. Vận chuyển hành khách 9 tháng năm 2021 giảm 23,8% so với cùng kỳ 2020, luân chuyển hành khách giảm 30,9% và vận chuyển hàng hóa giảm 5,6%, luân chuyển hàng hóa giảm 0,3%.

Khách quốc tế đến nước ta trong quý III/2021 đạt 26,3 nghìn lượt người, giảm 40,3% so với cùng kỳ 2020 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Tính chung 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ 2020./.