Khủng hoảng địa ốc Evergrande: Trung Quốc sẽ cứu?

17/10/2021 08:57

Trung Quốc sẽ giải quyết bất ổn liên quan đến Evergrande dựa trên 'các nguyên tắc thị trường và luật định'.

Trong phát biểu mới đây, ông Zou Lan – Giám đốc Vụ thị trường Tài chính thuộc PBoC, cho biết cơ quan chức năng trung ương và các cấp chính quyền địa phương đang nỗ lực giải quyết bất ổn liên quan đến Evergrande dựa trên "các nguyên tắc thị trường và luật định".

Evergrande đang là quả "bom" nợ của Trung Quốc

Với quan điểm này, ông cũng cho biết PBoC đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục cấp vốn cho ngành bất động sản một cách ổn định và trật tự.

Nhà điều hành sẽ bảo đảm nguồn hỗ trợ tài chính cho Evergrande, để tập đoàn này có thể nối lại nhiều dự án bất động sản.

Vấn đề của Evergrande mới nổi lên gần đây khi các thị trường mới đột nhiên đồng loạt coi ngành bất động sản Trung Quốc là mối đe dọa lớn với đà phục hồi kinh tế toàn cầu, cũng như với triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.

Các thị trường hoảng loạn vì ngành bất động sản Trung Quốc và tập đoàn Evergrande – nhà phát triển bất động sản lớn nhất và mắc nợ nhiều nhất ở nước này.

Evergrande là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, nợ hơn 305 tỷ USD với một loạt chủ nợ, từ ngân hàng tới nhà cung cấp.

Trung bình mỗi ngày, nghĩa vụ thanh toán lãi của công ty tăng 28 triệu USD, theo Bloomberg. Chỉ tính riêng 23/9, công ty phải trả khoảng 130 triệu USD cho trái chủ trong nước và quốc tế.

Với số nợ khổng lồ, Evergrande có nguy cơ cao là sẽ vỡ nợ. Chính phủ Trung Quốc đứng trước câu hỏi khó khăn: Cứu vớt hay bỏ mặc Evergrande?

Nếu giải cứu, Trung Quốc sẽ gây ra tâm lý rủi ro đạo đức (moral hazard) giống như những gì Mỹ đối mặt trong các cuộc khủng hoảng năm 1990 và 2008. Rủi ro đạo đức xuất hiện khi cá nhân hay tổ chức thực hiện hành vi rủi ro trên suy nghĩ rằng người khác sẽ gánh đỡ hậu quả.

Bắc Kinh lo ngại hành động giải cứu Evergrande sẽ bị coi là dấu hiệu cho thấy chính phủ sẵn lòng chấp nhận hay thậm chí khuyến khích các hành vi liều lĩnh. Các doanh nghiệp khác có thể diễn giải việc giải cứu là sự đảm bảo rằng kể cả khi họ tự đặt chân vào nấm mồ thì chính phủ cũng sẽ luôn ở cạnh để cứu họ lên.

Ngoài những lo ngại trên, Trung Quốc còn e ngại nếu cứu Evergrande lúc này thì sau sẽ phải đi dọn dẹp mớ hỗn độn của những nhà phát triển bất động sản khác.

Vì điều này, Trung Quốc đã im lặng trong thời gian dài, không lên tiếng bất chấp sự hoảng loạn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Giới phân tích đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ để mặc Evergrande.

Bạn đang đọc bài viết "Khủng hoảng địa ốc Evergrande: Trung Quốc sẽ cứu?" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#