Kịch bản xấu nhất khi TP.HCM xuất hiện biến thể phụ mới

Bệnh viện dã chiến số 13 sẽ hoạt động trở lại với quy mô 100 giường hồi sức tích cực trong tình huống xuất hiện biến thể mới, số ca mắc tăng cao.

Bệnh viện dã chiến số 13 kín giường sau 3 ngày hoạt động vào thời điểm tháng 8/2021. Ảnh: Duy Hiệu.

Trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại dịp Tết Nguyên đán và sự xâm nhập của biến thể mới, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng mọi nguồn lực tiếp nhận, điều trị người mắc Covid-19.

Đặc biệt, Bệnh viện dã chiến số 13 (địa chỉ 9A-B Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh)) cũng sẵn sàng được kích hoạt trong vòng 24 giờ.

Kịch bản được Sở Y tế TP.HCM đưa ra là trong khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, (từ 20/1 đến ngày 26/1), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) xác định tại TP.HCM xuất hiện biến thể phụ mới của Omicron.

Trong thời gian này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và các bệnh viện đa khoa có số ca mắc Covid-19 gia tăng (gấp 3-4 lần so với thời gian trước đó), hầu hết có triệu chứng và số ca nặng cần thở oxy cũng tăng, chưa ghi nhận ca tử vong.

Xác định dịch tại thành phố đang diễn biến theo chiều hướng xấu, trong khi khoa Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã sử dụng hết 50 giường (trong tổng số 70 giường hồi sức), các cơ sở y tế trên địa bàn cũng gần 50% công suất.

Lúc này, Bệnh viện dã chiến số 13 quy mô 100 giường hồi sức sẽ lập tức kích hoạt để tiếp nhận ca Covid-19 nặng. Bên cạnh chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị y tế và thuốc, hàng trăm người gồm bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng được huy động.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM duy trì hoạt động giám sát phát hiện các biến thể phụ mới, kể cả trong ngày nghỉ Tết.

Song song đó, đơn vị này phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) tiếp tục lấy mẫu trong cộng đồng và trong bệnh viện để thực hiện giải trình tự gene, phát hiện biến thể mới của Omicron (nếu có).

Cuối năm 2022, TP.HCM phát hiện biến thể XXB xuất hiện trong cộng đồng. Với XBB.1.5 được xem là biến thể dễ lây lan nhất - một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022 - ngành y tế thành phố chưa ghi nhận.

Trong tuần đầu tiên của năm 2023, TP.HCM có 39 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố (bao gồm 17 ca dương tính bằng kỹ thuật rRT-PCR, 22 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên) và không có ca nhập cảnh.

Số ca tích lũy trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (tính từ ngày 29//2021) đến ngày 8/1 là 618.350. Tính đến hết ngày 14/1, toàn thành phố đã tiêm được hơn 23,5 triệu mũi, trong đó có 8,7 triệu mũi một, 7,7 triệu mũi 2, 683.252 mũi bổ sung và 4,8 mũi nhắc lần một, 1,5 mũi nhắc lần 2.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.