Kiên Giang: Gói thầu thiết bị y tế có đang bị “thổi giá”?

Trong gói thầu trị giá hơn 222 tỷ đồng này có những thiết bị chênh giá đến “bất ngờ”. Nhiều người đặt nghi vấn về sự chênh giá lớn này.

3 thiết bị “chênh giá”?

Lâu nay, câu chuyện tiêu cực trong đấu thầu khiến dư luận và các nhà thầu hết sức quan tâm. Việc xuất hiện tiêu cực trong đấu thầu kéo theo hệ lụy rất lớn như mất niềm tin của các nhà thầu, doanh nghiệp, lựa chọn nhà thầu yếu năng lực hay thất thoát tài sản nhà nước … Đã có nhiều sự việc báo chí phanh phui tiêu cực trong đấu thầu nhưng tình trạng này vẫn xảy ra ở một số ít địa phương.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ sai phạm trong đấu thầu thiết bị y tế bị cơ quan chức năng khởi tố. Cụ thể, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, việc các đối tượng có hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Hay vụ việc đấu thầu tại Sơn La, Bệnh viện Bạch Mai…

Phê duyệt kết quả đấu thầu.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, “Gói thầu số 1: Nội thấy phòng mổ Hybrid và Thiết bị chuyên dùng cho phòng Hybrid thuộc Dự án đầu tư Phòng mổ kỹ thuật cao (Hybrid) cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang” do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang là bên mời thầu. Gói thầu này có hình thức đấu thầu công khai trên mạng. Thời gian ra thông báo mời thầu là ngày 29/6/2020.

Giá dự toán gói thầu là 225.265.033.619 đồng. Nguồn vốn của gói thầu này là từ ngân sách tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, đến ngày mở thầu, có 3 nhà thầu tham gia là Công ty cổ phần Armephaco (Số ĐKKD 0100109191); Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ An Đạt (Số ĐKKD 0107732422); Công ty TNHH Thiết Bị Y Tế Hoàng Lê (Số ĐKKD 0312006712).

Ngày 21/8/2021- ông Trần Ngọc Tính - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Quyết định số 281/QĐ-BQL cho Công ty Cổ phần Armephaco (địa chỉ số 118 Vũ Xuân Thiều, Phường Phúc Lợi, Quận Long Biên, Hà Nội ) trúng gói thầu này với giá 222.568.790.000 đồng.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người quan tâm là nhiều danh mục các thiết bị giá cao bất thường so với các đơn vị khác đã mua.

Cụ thể, trong 38 danh mục thiết bị y tế được phê duyệt của gói thầu trên có 3 thiết bị có giá trị lớn gồm: Hệ thống chụp cắt lớp CT với khoang máy trượt (128 lát cắt, Model: Somatom Definition Edge, Hãng sản xuất: Siemens Healthcare GmbH, Đức) có giá 47,170 tỷ đồng; Hệ thống chụp mạch DSA 2 bình diện (Artis Q biplane, Hãng sản xuất: Siemens Healthcare GmbH, Đức) có giá trúng thầu 45,7 tỷ đồng và Hệ thống chụp mạch DSA 1 bình diện (model : Artis Q Ceiling, Hãng sản xuất: Siemens Healthcare GmbH, Đức) có giá 36,2 tỷ đồng.

Được biết, các thiết bị này đều có giá chênh lệch từ chục tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng so với giá trúng thầu tại các đơn vị đã mua trước đó, dù cùng model, hãng sản xuất, xuất xứ, công suất…?.

Những thiết bị chênh giá khiến dư luận hoài nghi.

Cụ thể, đối với Hệ thống chụp cắt lớp CT với khoang máy trượt (128 lát cắt, Model: Somatom Definition Edge, Hãng sản xuất: Siemens Healthcare GmbH, Đức), Kiên Giang phải mua tới 47,170 tỷ đồng thì trước đó vào tháng 9/2019 một bệnh viện tại Tp.HCM chỉ phải bỏ ra số tiền hơn 26 tỷ đồng mua hệ thống. Như vậy Kiên Giang đã phải chi số tiền gần gấp đôi so với các đơn vị cùng mua sản phẩm tương tự khách, chênh gần 21 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với Hệ thống chụp mạch DSA 1 bình diện (model: Artis Q Ceiling, Hãng sản xuất: Siemens Healthcare GmbH, Đức), Kiên Giang mua tới 36,2 tỷ đồng thì vào tháng 12/2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam chỉ phải mua hết 25,8 tỷ đồng, thấp hơn Kiên Giang hơn 10 tỷ đồng.

Đối với Hệ thống chụp mạch máu xóa nền DSA 2 bình diện được Kiên Giang duyệt với giá 45,7 tỷ đồng. Trong khi đó, hệ thống DSA 2 bình diện tại Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ được Sở Y tế Cần Thơ phê duyệt với giá gần 38 tỷ đồng, thấp hơn giá DSA 2 bình diện được Kiên Giang duyệt gần 8 tỷ đồng mặc dù chưa rõ hệ thống DSA 2 bình diện của Cần Thơ có trùng model với Kiên Giang hay không?

Từng dính lùm xùm về đấu thầu

Cách đây không lâu, hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma mà hồ sơ mời thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang “cài cắm” vào bị “tố” là công nghệ độc quyền.

Gói thầu số 51.1E Nhà bao che lò đốt rác 1,2 (nhà xử lý rác 1,2) + thiết bị xử lý rác thải 1,2 thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang sau khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) đã có 2 kiến nghị của nhà thầu. Các nhà thầu cho rằng, một số tiêu chí trong HSMT là độc quyền của một hãng, công nghệ xử lý rác thải lạc hậu...

Gói thầu nêu trên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang làm bên mời thầu (BMT), Sở Y tế tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư. Gói thầu có giá 113,452 tỷ đồng, được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, phát hành HSMT từ ngày 17/12/2020 đến ngày 7/1/2021.

Ngày 23/12/2020, BMT có văn bản điều chỉnh HSMT về yêu cầu kỹ thuật từ “hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma” thành “hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma (hoặc công nghệ khác tương đương hoặc công nghệ hiện đại, tiên tiến hơn công nghệ Plasma)”. Theo BMT, sau khi rà soát, nhận thấy có sơ suất về nội dung này nên đã điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, các tiêu chí kỹ thuật còn lại của HSMT không đổi.

Ông Trần Ngọc Tính (bìa trái), Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kiengiang.gov.vn

Ngày 5/1/2021, BMT tiếp tục có văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu về các vấn đề nêu trên. Theo BMT, công nghệ sử dụng Plasma để xử lý rác thải là công nghệ hiện đại, tiên tiến. “Tại Việt Nam và trên thế giới, không có nhà cung cấp nào độc quyền công nghệ hoặc độc quyền sản xuất các thiết bị cho công nghệ này”, BMT khẳng định.

BMT cũng cho rằng, trong nước có nhiều nhà cung cấp hệ thống đốt rác sử dụng công nghệ này và nhiều nhà thầu có giấy phép bán hàng hoặc ủy quyền bán hàng từ nhà sản xuất đều có thể cung cấp và lắp đặt. BMT còn cho rằng, hiện có nhiều nhà cung cấp nước ngoài cho các thiết bị đầu đốt Plasma.

“Phương án và công nghệ xử lý rác thải đã được thông qua các cấp có thẩm quyền ở Kiên Giang và tất cả các thông số kỹ thuật đều được xây dựng theo hướng mở, không có bất cứ yêu cầu nào về thương hiệu, kiểu dáng hay xuất xứ thiết bị và các nhà thầu vẫn được quyền chào thầu với công nghệ khác”, BMT cho biết.

Sau đó, đã có nhà thầu lên tiếng về vấn đề này, Họ cho rằng, Hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma mà HSMT yêu cầu là công nghệ độc quyền của hãng Petech Việt Nam (Công ty CP Khoa học Công nghệ Pectech). Nhà thầu cho biết, cấu hình kỹ thuật cho hệ thống thiết bị của gói thầu này là hệ thống công nghệ Petech PJMI xử lý rác thải do Petech sáng chế, có sử dụng một số thiết bị chính (như đầu đốt Plasma...) của các hãng nước ngoài. Hiện nay chỉ duy nhất công nghệ Plasma PJMI của Petech đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của HSMT, như: thủy tinh hóa rác thải; hệ thống xử lý; đầu đốt sơ cấp…

Vì vậy, có ý kiến cho rằng, HSMT của chủ đầu tư đang “cài cắm” xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa để Liên danh Công ty CP Khoa học Công nghệ Petech - Công ty TNHH Năng Lượng Mặt Trời Đỏ Long An (REDSUN) trúng thầu.

Và cuối cùng, vào ngày 25/11/2019, ông Trần Ngọc Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng đã phê duyệt cho Liên danh Công ty CP Khoa học Công nghệ Petech - Công ty TNHH Năng Lượng Mặt Trời Đỏ Long An (REDSUN) trúng thầu “Gói thầu số 51.1C: Thiết bị xử lý nước thải 1 (giai đoạn 2)” trị giá 74.873.102.128 đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ bị khởi tố vì gói thầu thiết bị y tế

Vào tháng 3/2021, nguyên giám đốc Bùi Thị Lệ Phi và giám đốc Cao Minh Chu cùng 9 người khác bị khởi tố là do sai phạm trong đấu thầu mua sắm trang y tế tại sở này.

Hai gói thầu được Cơ quan điều tra Bộ Công an yêu cầu các cơ quan chức năng TP Cần Thơ cung cấp hồ sơ, tài liệu là gói thầu số 1 - hệ thống DSA hai bình diện tại Bệnh viện Tim mạch và gói thầu số 5 - trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, do Sở Y tế TP Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Các bị can tại Sở Y tế Cần Thơ (chủ đầu tư), đơn vị dự thầu thẩm định giá không công bằng, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.