Một cây cầu đi bộ tại thành phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Kinh tế Nhật Bản quý I/2022 tăng trưởng âm, trong bối cảnh các quy định phòng dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới lĩnh vực dịch vụ. Bên cạnh đó, đà tăng giá cả hàng hóa cũng tạo ra nhiều áp lực tăng trưởng mới, khiến nhiều người quan ngại về rủi ro nền kinh tế sụt giảm mạnh hơn trong tương lai.
Đây chính là thử thách lớn đối với tham vọng tăng trưởng và phân phối tài sản trong chiến lược “chủ nghĩa tư bản mới” của thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Theo đó, GDP nền kinh tế số 3 thế giới giảm 1% trong quý I/2022 so cùng kỳ năm 2021, thấp hơn dự báo giảm 1,8% của nhiều chuyên gia kinh tế trong khảo sát của Reuters. So với quý trước đó, GDP của Nhật Bản giảm 0,2%.
Dữ liệu tăng trưởng mới được công bố buộc ông Kishida phải cân nhắc khả năng gia tăng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, bên cạnh dự thảo ngân sách bổ sung trị giá 20,86 tỷ USD vừa được thông qua trong ngày 17/5 vừa qua.
“Các lệnh phong tỏa tại Trung Quốc, quá trình tăng lãi suất tại Mỹ và cuộc xung đột Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản. Sự sụt giảm thu nhập thực tế doanh nghiệp và hộ gia đình trong bối ảnh tỷ lệ trao đổi thấp có thể tác động tiêu cực lên đà phục hồi nhu cầu nội địa”, theo Hiroshi Shiraishi, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại BNP Paribas Securities.
Nhiều chuyên gia phân tích dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ hồi phục trong một vài quý tới, khi các quy định phòng dịch được nới lỏng.
Tuy nhiên, cũng có không ít người hoài nghi về đà phục hồi nhanh của Nhật Bản trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực tăng cao và đồng yên yếu.
“Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của Nhật Bản ở mức thấp trong bối cảnh thu nhập hộ gia đình tại đây bị ảnh hưởng bởi lạm phát”, theo Tom Learmouth, Nhà kinh tế Nhật Bản tại Capital Economics.