Kinh tế Thái Lan ngấm đòn nặng từ làn sóng biểu tình chống hoàng gia

23/10/2020 08:21

Các cuộc biểu tình chống hoàng gia nổ ra trong thời điểm nền kinh tế Thái Lan đang lao đao vì tác động của dịch Covid-19.

Theo Nikkei Asian Review, tại thủ đô Bangkok, việc chính quyền dừng hoạt động của hệ thống tàu trên cao BTS Skytrain, tàu điện ngầm và phong tỏa các tuyến đường để đối phó với các cuộc biểu tình khiến hàng loạt hoạt động kinh tế ngưng trệ.

Nhiều trung tâm mua sắm phải đóng cửa sớm hơn thường lệ. CentralWorld, một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất Bangkok, phải đóng cửa sớm vào thứ năm và thứ sáu tuần trước. Nhân viên các cửa hàng trang sức tại đây cất hết hàng hóa vì lo sợ biểu tình có thể trở thành bạo lực.

"Các tuyến phố đã bị phong tỏa nên hôm nay chúng tôi sẽ đóng cửa lúc 18h30", khu mua sắm CentralPlaza Ladpra ở ngoại ô Bangkok thông báo với khách hàng hồi cuối tuần trước, sớm hơn 3,5 giờ so với thường lệ. Một chủ nhà hàng ở đây cho biết mất 60-80% doanh thu vào những ngày biểu tình diễn ra.

Làn sóng biểu tình cũng làm cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Thái Lan - nơi du lịch chiếm tới 20% GDP - sau dịch Covid-19. Thu hút du khách nước ngoài trở lại là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhưng du khách có thể lo ngại về tình trạng bất ổn tại quốc gia này.

Kinh te Thai Lan ngam don bieu tinh anh 1

Biểu tình đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Theo chủ của nhiều khách sạn tại Bangkok, nếu cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình trở thành đụng độ bạo lực, ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và càng trở nên yếu ớt hơn sau quãng thời gian chịu đựng dịch Covid-19.

Theo một thống kê, quận mua sắm Ratchaprasong ở Bangkok thất thu khoảng 174 triệu Baht (5,6 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) mỗi ngày khi các cuộc biểu tình nổ ra vào năm 2010.

Hiện, người biểu tình đang kêu gọi người dân Thái Lan rút tiền từ ngân hàng Siam Commercial Bank, nơi Quốc vương Maha Vajiralongkorn nắm giữ cổ phần. Kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu hồi tháng 9, giá cổ phiếu Siam Commercial Bank sụt khoảng 6%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp có chiến dịch quảng cáo trên truyền hình cũng đối mặt làn sóng tẩy chay. Người biểu tình cho rằng cac công ty này ủng hộ chính phủ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều công ty lớn, trong đó có hãng giao đồ ăn Foodpanda, hủy bỏ các chương trình quảng cáo.

Các nhà đầu tư tại Thái Lan cũng đang theo dõi sát sao tình hình. Chỉ số SET của thị trường chứng khoán nước này tiếp tục giảm kể từ khi các cuộc biểu tình bùng lên vào giữa tuần trước.

"Mối lo ngày càng lớn bởi không ai biết mọi thứ sẽ đi về đâu"', Sorrabhol Virameteekul, Phó chủ tịch cấp cao của Kasikorn Securities, nhận định. "Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên theo dõi tình hình cho đến khi ổn định chính trị cả trong và ngoài nước”.

Giới phân tích nhận định kinh tế Thái Lan năm nay có thể sụt giảm mạnh hơn cả thời kỳ khủng hoảng tiền tệ năm 1998. Khi đó, GDP Thái Lan sụt tới 7,6%.

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế Thái Lan ngấm đòn nặng từ làn sóng biểu tình chống hoàng gia" tại chuyên mục Tiêu dùng. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#