UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư,Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Xây dựng; Sở Công thương; chính quyền các huyện, thành phố Kon Tum theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tháo gỡ hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý dứt điểm những vướng mắc của một số dự án như: Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai Tây Nguyên, các dự án thủy điện (Dự án thủy điện Đăk Mek 3; Dự án thủy điện Plei Kần Hạ; Dự án Dự án thủy điện Đăk Psi 1; Dự án thủy điện Đăk Psi 2; Dự án Thủy điện Đăk Psi 6) và một số dự án khác (nếu có) đảm bảo theo đúng các quy định.
Kết quả kiểm tra vào ngày 7/9/2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cho thấy, 8/48 dự án đầu tư bị kiểm tra chậm đưa đất vào khai thác sử dụng hơn 24 tháng (kể từ ngày được giao đất ngoài thực địa), vi phạm quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 và quy định tại Điểm c, Điểm d, Khoản 12, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.
Các dự án này, gồm: Dự án thủy điện Đắk Mék 3; Dự án đầu tư khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại Điểm mỏ số 21 Thôn Đăk Gô, xã Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum; Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum; Dự án Nhà máy cấp nước sạch Đăk Tô; Dự án Thủy điện Plei Kần Hạ; Dự án Nhà máy chế biến mủ tờ; Dự án Xưởng gia công và cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; Dự án thủy điện Đăk Psi 1. Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định, trách nhiệm để xảy ra vi phạm thuộc về nhà đầu tư các dự án trên.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Thủy điện Ry Ninh 2 (chủ đầu tư Thủy điện Đăk Psi 1) chưa thực hiện nghĩa vụ khai báo và nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định.