'Kỳ lân' VNG báo lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng trong quý I

"Kỳ lân" (startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) VNG mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu đạt 1.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng, đã thu hẹp so với cùng kỳ năm trước (lỗ hơn 130 tỷ đồng).

Mới đây, CTCP VNG (mã: VNZ) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần đạt 1.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp công ty trong ba tháng đầu năm đạt 847 tỷ đồng, tăng 17% so với quý I/2022.

Khoản lỗ sau thuế của VNG trong ba tháng đầu năm nay là hơn 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ này đã thu hẹp so với cùng kỳ năm trước, thời điểm VNG báo lỗ hơn 130 tỷ đồng. Trong đó, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là hơn 40 tỷ đồng còn lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 49,5 tỷ đồng.

Phần lớn nguyên nhân dẫn tới việc VNG vẫn báo lỗ trong quý đầu năm 2023 đến từ việc công ty vẫn chịu áp lực từ chi phí hoạt động lớn với 8 tỷ đồng chi phí tài chính, 544 tỷ đồng chi phí bán hàng và 337 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp.

vng-1683168161.jpg Kết quả kinh doanh VNG giai đoạn 2018 - 3T2023. (Nguồn: BCTC VNG - Doanh Chính tổng hợp).

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của VNG đạt 8.975 tỷ đồng, tăng gần 80 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 2.837 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm và chiếm 31% tổng tài sản.

Hết ngày 31/3, khoản nợ phải trả của VNG là 3.953 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với đầu năm. Trong đó, tổng các khoản phải trả là gần 718 tỷ đồng, tăng gần 45 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, khoản vay dài hạn của VNG trong kỳ là 581 tỷ đồng, tăng 182 tỷ đồng so với đầu năm.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến hết ngày 31/3 là 5.021 tỷ đồng, giảm 93 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 5.052 tỷ đồng.

Trong kỳ, VNG cũng báo cáo phần lỗ trong công ty liên kết là hơn 27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ hơn 7,5 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý I của VNG, công ty chịu lỗ hơn 9 tỷ đồng khi đầu tư vào Telio - đơn vị được thành lập từ năm 2019 hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong ba tháng đầu năm nay. Tính đến ngày 31/3, VNG nắm giữ 16,7% quyền sở hữu Telio.

Khoản lỗ đáng chú ý khác đến từ công ty liên kết Funding Asia (12 tỷ đồng) - có trụ sở tại Singapore, là một công ty đầu tư. Tại thời điểm cuối quý I, VNG đang nắm giữ 4,9% quyền sở hữu của Funding Asia.

Trước đó, VNG cũng đã công bố thông tin bất thường về việc tãm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán. Phía VNG giải trình lý do tạm hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán cho năm tài chính 2022, bao gồm báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất là vì VNG đang thực hiện song song báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

Trong khi đó, VNG là tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước khác trên thế giới. VNG hiện có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài (gồm thị trường Đông Nam Á, Hong Kong, Trung Quốc và Australia) với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.

Vì vậy, để đảm bảo số liệu của báo cáo tài chính thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán trong và ngoài nước, phía VNG cho biết cần nhiều thời gian hơn để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận thông tin cho báo cáo tài chính.

VNG cho biết với những khó khăn như vậy, phía doanh nghiệp đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xem xét, chấp thuận cho VNG được gia hạn thời gian công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2022.