Lạc Thuỷ, Hòa Bình: Công ty Đất Việt lợi dụng dự án tận thu để trục lợi tài nguyên, gây thất thoát ngân sách

14/12/2022 12:01

Mặc dù được cấp phép tận thu và đổ vào các dự án được chỉ định cụ thể, tuy nhiên Công ty Đất Việt lại "ngang nhiên" bán đất cho nhiều đơn vị để đổ vào các dự án khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và Hà Nội làm chảy máu tài nguyên, gây thất thoát ngân sách.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tài chính Doanh nghiệp, ngày 23/11/2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký giấy phép số 39/GP-UBND về việc cấp giấy phép khai thác đất san lấp trong quá trình thi công mặt bằng xây dựng Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thuỷ. 

Trong giấy phép có nêu rõ, cho phép Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Đất Việt (Công ty Đất Việt) khai thác đất đồi dôi dư làm đất san, lấp khi thi công mặt bằng xây dựng Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thuỷ trong phạm vi dự án xây dựng Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi...

van-ban-cua-uy-ban-nhan-dan-1670989283.jpg

Diện tích khai thác là 30.454,85 m2, được giới hạn bởi các điểm khép góc trong hồ sơ. Mức sâu cho phép khai thác (Cost) là +9,5 m. 

Khối lượng đất san, lấp Công ty Đất Việt được khai thác là 114.040 m3. Phương pháp khai thác lộ thiên và thời gian khai thác trong vòng 09 tháng. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu Công ty Đất Việt phải có trách nhiệm khai thác đất san, lấp theo đúng toạ độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng theo quy định của giấy phép. 

hang-chuc-chiec-xe-trong-tai-lon-dang-vao-lay-dat-de-van-chuyen-do-cho-cac-du-an-tai-khu-vuc-ung-hoa-thuong-tin-ha-noi-1670989328.jpg
Hàng chục chiếc xe trọng tải lớn đang vào lấy đất để vận chuyển đổ cho các dự án tại khu vực Ứng Hoà, Thường Tín (Hà Nội).

Công ty Đất Việt phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như thuế tài nguyên khoáng sản, phí bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. 

Đặc biệt, tại giấy phép này, UBND tỉnh Hòa Bình có chỉ định rõ "phối hợp với đơn vị thi công thực hiện khai thác theo phương án đã phê duyệt; khối lượng đất dôi dư được phép khai thác chỉ được phục vụ cho thi công các dự án: Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Yên Quang, xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Chi Nê đi thôn Tân Thành, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ; Tiểu dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch Khu di tích Chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ (đáp ứng khoảng 15,77% khối lượng đất cần để san nền của 3 dự án).

xe-trong-tai-lon-co-dau-hieu-cho-qua-thanh-thung-vua-lay-dat-tai-du-an-tan-thu-cua-cong-ty-dat-viet-1670989399.jpg
Xe trọng tải lớn có dấu hiệu chở quá thành thùng vừa lấy đất tại dự án tận thu của Công ty Đất Việt đang trên đường chở đi tiêu thu tại Ứng Hoà (Hà Nội).

"Giấy trắng mực đen" rõ ràng là vậy, nhưng Công ty Đất Việt lại "phớt lờ" quy định của UBND tỉnh Hòa Bình khi những xe đất thay vì chở đến những dự án được chỉ định trong giấy phép lại toả đi rất nhiều dự án, trong đó chủ yếu lại phục vụ một số dự án trên địa bàn huyện Ứng Hoà, Thường Tín thuộc địa phận Hà Nội. 

Mục sở thị tại địa điểm khai thác của Công ty Đất Việt, PV nhận thấy hàng chục xe tải với tải trọng lớn "nườm nượp" ra vào khu công trường để lấy đất rồi nhanh chóng rời đi. 

Sau quãng đường hàng chục km, những chiếc xe tải này "hạ cánh" tại một dự án làm đường thuộc địa bàn thị trấn Tế Tiêu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Việc khai thác và vận chuyển này được thực hiện rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Cũng có những đêm kế hoạch thay đổi những chiếc xe tải này lại chở đất đến đổ tại dự án làm đường thuộc địa phận xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội. 

cac-xe-dat-duoc-tap-ket-va-do-tai-mot-du-an-lam-duong-tren-dia-ban-huyen-ung-hoa-1670989428.jpeg
Các xe đất được tập kết và đổ tại một dự án làm đường trên địa bàn huyện Ứng Hoà (Hà Nội)

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân sống gần khu vực điểm khai thác Công ty Đất Việt cho biết, những chiếc xe tải chạy cả ngày cả đêm, xe nào xe nấy đều có dấu hiệu chở cao quá thành thùng, che chắn sơ sài khiến bụi bay mù mịt. Hơn nữa trên đường mòn Hồ Chí Minh, những đoàn xe chạy với tốc độ rất cao gây nguy cơ mất an toàn giao thông cho người dân khi lưu thông trên tuyến đường này. Và chủ yếu các xe này đều chạy về hướng Hà Nội. 

Để rộng đường dư luận, PV đã có trao đổi nhanh với ông Quách Đình Thi- Trưởng công an huyện Lạc Thuỷ, ông Thi cho biết, đây là dự án được UBND tỉnh cấp phép, do vậy cơ quan Công an huyện Lạc Thuỷ không có thẩm quyền xử lý. Nhưng đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh, nếu có vi phạm thì Công an huyện sẽ đề xuất đơn vị cấp phép xử lý. 

Cũng tại giấy phép số 39, UBND tỉnh Hòa Bình giao UBND huyện Lạc Thuỷ thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động cải tạo mặt bằng và khai thác đất san, lấp của Công ty Đất Việt theo giấy phép của tỉnh. 

Trường hợp Công ty Đất Việt vi phạm quy định pháp luật có liên quan hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại giấy phép; UBND huyện Lạc Thuỷ tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc xem xét thu hồi Quyết định cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp; đồng thời báo cáo UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác đất san lấp theo quy định và Công ty Đất Việt phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề có liên quan.

Tuy nhiên, việc khai thác và vận chuyển tài nguyên khoáng sản đất san, lấp đến các dự án ngoài phạm vi cấp phép diễn ra rầm rộ, công khai cả ngày lẫn đêm nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không hề hay biết và cũng không có động thái, kiểm tra, xử lý vi phạm.  

Với lý do tận thu khi thực hiện dự án xây dựng nhà máy gạch, "mỏ đất" này cũng không bị ràng buộc cụ thể bởi Luật Khoáng sản, tổ chức đấu giá cấp quyền như thế nào cũng không ai hay. Chỉ bằng những “mảnh giấy” chớp nhoáng mấy tháng là các “chủ mỏ” mặc sức chở đi mà không biết thực tế họ chở bao nhiêu khoáng sản và chở đi đâu. Việc khai thác này bộc lộ nhiều dấu hiệu “lợi dụng dự án để khai thác đất dưới vỏ bọc dự án”, gây thất thoát lợi ích của nhà nước, thất thoát thuế, chảy máu tài nguyên quốc gia, không đúng với quy định của Luật Khoáng sản.

Đối với lĩnh vực khai thác hoặc tận thu tài nguyên khoáng sản là đất san lấp, các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về phí bảo vệ môi trường và Thuế tài nguyên khoáng sản. Cụ thể:

Về phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản: tại Điều 2 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định: “Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản”.

- Tại khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu như sau:

+ Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Nghị định này.

+ Trường hợp được áp dụng mức phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản.

Mức phí cụ thể của từng loại khoáng sản tại từng địa phương do HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

- Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp Thuế tài nguyên...”.

Về Thuế tài nguyên, tại Khoản 1 Điều 7 Luật Thuế tài nguyên 2009 quy định khung Thuế suất tài nguyên đối với đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 3-10%; đối với đất, trừ đá nung vôi và sản xuất xi măng; sỏi; cát, trừ cát làm thuỷ tinh là 5-15% và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ.

Bạn đang đọc bài viết "Lạc Thuỷ, Hòa Bình: Công ty Đất Việt lợi dụng dự án tận thu để trục lợi tài nguyên, gây thất thoát ngân sách" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#