Ladophar tiếp tục lỗ trước thuế gần 39 tỷ đồng trong năm 2022

Trong năm 2022, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng bị lỗ trước thuế gần 39 tỷ đồng. Sắp tới, công ty dự kiến vay 240 tỷ đồng để mở rộng đầu tư thiết bị.

Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar, Mã HNX: LDP) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông 2023 với các nội dung giải trình hoạt động kinh doanh thua lỗ mạnh và đề xuất vay vốn mở rộng đầu tư thiết bị.  

Dự kiến Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức vào ngày 21/3 tới đây tại Tp. Đà Lạt, Ladophar sẽ trình cổ đông phê duyệt việc vay vốn ngân hàng để bổ sung cho hoạt động sản xuất – kinh doanh với hạn mức 150 tỷ đồng; vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng và các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như các tổ chức tài chính khác để thực hiện đầu tư cải tạo, mở rộng nhà máy, hạn mức 90 tỷ đồng.

ladophar-1677808125.jpgNăm 2022, Ladophar tiếp tục thua lỗ, công ty dự định vay vốn để mở rộng đầu tư trang thiết bị.

Về kết quả kinh doanh năm 2022, Ladophar ghi nhận doanh thu 187,4 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế âm 38,9 tỷ đồng, giảm 196% so với năm trước đó. Phía Ladophar giải thích những nguyên nhân chính dẫn tới thua lỗ lớn trong năm 2022. Thứ nhất, hoạt động sản xuất chịu lỗ bởi sản lượng thực tế không đủ bù đắp các khoản chi phí chung. Thứ hai, khoản lỗ từ hoạt động đầu tư tăng mạnh 117%, tương ứng mức tăng 78,9 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2022, khoản đầu tư chứng khoán giảm mạnh khiến lỗ tăng lên hơn 6,7 tỷ đồng, đồng thời phát sinh lãi trái phiếu gần 5 tỷ đồng từ việc huy động nguồn vốn trái phiếu cho việc mở rộng nhà máy và sản xuất kinh doanh. Các hoạt động của công ty con chưa hiệu quả, doanh thu chưa phát sinh trong khi vẫn cần chi phí duy trì hoạt động. Tựu chung, khoản lỗ từ hoạt động đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, dẫn tới tổng lỗ của Công ty gần 40 tỷ đồng. 

Ngoài ra, các khoản lỗ khác bao gồm lỗ trong các hoạt động đầu tư thương hiệu (lỗ 8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21%); lỗ trong hoạt động kinh doanh chính (chiếm tỷ trọng 26%, tương ứng mức lỗ 10,1 tỷ đồng)… 

Những khó khăn được Công ty chỉ ra khiến hoạt động kinh doanh tiếp tục đi xuống bao gồm việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất dược phẩm, hàng hoá thiết bị y tế… làm gì tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu sản phẩm của Công ty qua các thị trường Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ.

Ngoài ra, với hoạt động kinh doanh dược phẩm, cạnh tranh về giá đấu thầu thuốc ngày càng gay gắt, thị phần bị phân mảnh với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong nước có dây chuyển sản xuất đạt GMP-WHO. Lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, việc chưa thích nghi với tình hình thị trường mới thay đổi, chưa có giải pháp kịp thời, hữu hiệu về chính sách, cơ cấu tổ chức, nhân sự, phương thức kinh doanh… cũng là lý do dẫn tới hoạt động của Ladophar suy giảm. 

Trong năm 2023, Công ty không đặt mục tiêu có lợi nhuận trước thuế, kế hoạch tổng doanh thu đạt 287 tỷ đồng, tương ứng tăng 53%. Lợi nhuận gộp 64,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 76% so với thực hiện năm 2022.