Ngân hàng Nhà nước bất ngờ chuyển từ trạng thái bơm ròng sang hút ròng khiến cho lãi suất liên ngân hàng bật tăng.
Cụ thể, ngày 2.2.2023 lãi suất kỳ hạn 9 tháng bất ngờ tăng từ mức 9,61% lên 13%/năm. Tuy nhiên doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỉ đồng, chiếm chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên này.
Ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất liên ngân hàng gần như ít thay đổi và dao động quanh mức 6,2 - 6,3%/năm. Kỳ hạn 1 - 2 tuần, lãi suất từ 6,4 - 6,8%/năm. Ở kỳ hạn 1 tháng lãi suất dao động quanh mức 7,5%/năm. Kỳ hạn 3 tháng giảm từ mức 9,4%/năm xuống 8,94%/năm.
Tính đến 7h17’ tối ngày 3.2.2023, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng là 9,61%. Số liệu này được chú thích thêm là so với mốc tham chiếu từ ngày 26.12.2022.
Ngân hàng Nhà nước đã mở lại hoạt động phát hành tín phiếu và hút 15.000 tỉ đồng từ 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5,79%/năm.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng cao kể từ tháng 7, 8.2022 do ảnh hưởng từ xu hướng tăng lãi suất của các Ngân hàng trung ương lớn như Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hay Ngân hàng châu Âu (ECB). Từ tháng 10, sự kiện SCB xảy ra đã tác động mạnh đến thanh khoản và thị trường.
Trong các tháng 11, 12 thanh khoản ngắn hạn (quanh 1 tuần) được cải thiện nhờ luồng ngoại tệ tốt hơn kỳ vọng tuy vậy các kỳ hạn dài hơn vẫn duy trì mặt bằng cao.
Kết thúc năm 2022, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng và 3 tháng được ghi nhận lần lượt ở 4,567%; 5,233%; 5,667%; 6,267% và 6,733%
Với dự báo xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn chưa chấm dứt, VCBS cho rằng lãi suất liên ngân hàng vẫn còn dư địa tăng.