Lâm Đồng: Xử lý nhiều cửa hàng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng

Cơ quan chức năng kiểm tra 98 mẫu (70 mẫu phân bón, 28 mẫu thuốc bảo vệ thực vật) phát hiện 22 trường hợp vi phạm. Xử phạt các trường hợp vi phạm gần 600 triệu đồng.

Ngày 25/5, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, tính từ đầu năm 2021 tới tháng 4/2022, các đơn vị trực thuộc Sở đã kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và phát hiện nhiều cửa hàng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng.

Theo đó, trong gần 2 năm qua, các cuộc kiểm tra từ các đơn vị chức năng đã phát hiện và xử lý 46 trường hợp vi phạm với các hành vi vi phạm.

Trong đó, chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm có nhãn sai quy định, phân bón giả, quá hạn sử dụng hoặc phân bón không có quyết định công nhận được phép lưu hành tại Việt Nam.

Tiêu dùng & Dư luận - Lâm Đồng: Xử lý nhiều cửa hàng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng

Lực lượng chức năng kiểm tra sản xuất phân vi sinh.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên ngành cũng lấy 98 mẫu (70 mẫu phân bón, 28 mẫu thuốc bảo vệ thực vật); trong đó, có tới 22 trường hợp vi phạm. Cụ thể, có 5 mẫu giả, chất lượng dưới 70%, 17 mẫu chất lượng không phù hợp với quy chuẩn công bố áp dụng. Tổng số tiền xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm gần 600 triệu đồng.

Để hạn chế tình trạng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. 

Tiêu dùng & Dư luận - Lâm Đồng: Xử lý nhiều cửa hàng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng (Hình 2).

Phát hiện một số cơ sở sản xuất có dấu hiệu kém chất lượng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người dân sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác đúng quy định.

Đồng thời, phối hợp hiệu quả với các cơ quan ban ngành trong công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, xây dựng đường dây nóng để thông tin, tố giác tội phạm liên quan đến chất lượng, hàng giả, hàng cấm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giữa chính quyền và người dân.