Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy, giá tiêu dùng trong tháng 10 tại Anh đã tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong 41 năm trở lại đây - do giá năng lượng tăng cao.
Điều này cho thấy lạm phát tại quốc gia này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù Chính phủ đã áp dụng giá trần mới với mặt hàng năng lượng và suy thoái kinh tế đang cận kề.
Lạm phát tháng 10 của Anh tăng đáng kể so với mức 10,1% của tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 10/1981 - theo tờ Wall Street Journal.
Giá năng lượng đã tăng vọt tại châu Âu sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và Moscow siết nguồn cung khí đốt sang châu lục này. Giá cả leo thang đã tác động nghiêm trọng tới người dân và doanh nghiệp tại Anh, kể cả khi nền kinh tế suy yếu với tăng trưởng âm trong quý 3.
Tại các quốc gia châu Âu khác, lạm phát cũng đang tăng nhanh. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tại Đức đã tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, ở Mỹ, lạm phát đã “hạ nhiệt” còn 7,7% trong tháng 10, giảm từ mức 8,2% tháng trước đó.
Dù lạm phát cao hơn so với dự báo trước đó, phản ứng trên thị trường tài chính Anh tương đối im ắng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 2 năm chỉ tăng khoảng 0,03 điểm phần trăm lên 3,1%. Mức lợi suất này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 4,5% hồi tháng 9 sau khi Chính phủ Anh công bố chương trình giảm thuế và thúc đẩy tín dụng (chương trình này hiện đã bị hủy bỏ). Đồng Bảng Anh cũng tăng 0,2% so với đồng USD lên 1.188 USD vào sáng ngày 16/11.
“Chúng ta không thể có được sự tăng trưởng bền vững và dài hạn nếu lạm phát còn cao”, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt, nói. “Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu”.
Theo các nhà kinh tế, lạm phát tại Anh có thể sẽ không tăng mạnh trong những tháng tới nhờ giá trần năng lượng mà Chính phủ đưa ra hồi tháng 9. Mức giá trần này đã kiềm chế mức tăng giá năng lượng đối các hộ gia đình ở mức 27% trong tháng 10, giảm đáng kể so với mức tăng tới 80% được dự báo trong báo cáo nửa năm của cơ quan quản lý năng lượng Anh. ONS ước tính nếu không có giá trần này, lạm phát tháng 10 của Anh có thể lên tới 13,8%,
Dù vậy, tại Anh, áp lực lạm phát vẫn rất lớn đối với các lĩnh vực khác ngoài năng lượng. Giá thực phẩm tháng 10 đã tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/1977. Trong tháng, lạm phát lõi (core inflation) - không bao gồm các mặt hàng có biến động giá lớn như năng lượng và thực phẩm - giữ nguyên ở mức 6,5%.
“Dù BOE đang muốn làm chậm hoặc tạm dừng chu kỳ thắt chặt của mình, dữ liệu lạm phát mới công bố cho thấy họ không có nhiều lý do để làm vậy”, nhà kinh tế Allan Monks tại JP Morgan, nhận xét trong một báo cáo gửi khách hàng.
Ban đầu, biện pháp giá trần năng lượng dự kiến kéo dài trong 2 năm, tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh sau đó cho biết sẽ chỉ áp dụng cơ chế này tới cuối tháng 3 năm sau. Tình hình lạm phát của Anh sau tháng 3 sẽ phụ thuộc việc Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước "bão giá" ở mức độ nào.
Các chính phủ châu Âu hiện đang tung ra các chương trình quy mô lớn để hỗ trợ các hộ gia đình trong bối cảnh giá năng lượng leo thang và việc chi trả cho thực phẩm, nhà ở của nhiều người trở nên khó khăn hơn.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Quốc gia Anh, khoảng 1,2 triệu hộ gia đình tại nước này không có đủ thu nhập để chi trả cho thực phẩm, năng lượng và nhà ở vào mùa đông tới. Cơ quan này dự báo khoảng 2,5 triệu người sẽ phải tìm tới các cơ sở từ thiện về thực phẩm trong các tháng mùa đông.