Lệnh cấm chưa từng thấy ở World Cup 2022

Tại các kỳ World Cup trước, việc cổ động viên đắm mình trong rượu bia để ăn mừng chiến thắng của đội nhà là điều bình thường. Nhưng ở Qatar, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
 Cổ động viên Anh uống bia tại World Cup 2018 ở Nga. Ảnh: Maksim Zmejev/AFP.

Cổ động viên Anh uống bia tại World Cup 2018 ở Nga. Ảnh: Maksim Zmejev/AFP.

Rượu bia được coi là một phần trong văn hóa bóng đá đối với nhiều người hâm mộ trên khắp thế giới.

Vài ngụm đồ uống có cồn giúp giải tỏa cảm giác hồi hộp và gắn kết bạn bè trước khi trận đấu bắt đầu. Một cốc bia sau chầu thua đậm hay chai rượu sâm panh ăn mừng chiến thắng lớn cũng là chuyện thường xảy ra.

Tuy nhiên, tại World Cup năm nay, diễn ra từ ngày 20/11 đến 18/12 ở Qatar, cũng là lần đầu tiên một quốc gia đa số theo đạo Hồi đăng cai giải đấu, đồ uống có cồn bị cấm đối với cư dân và trên đường phố, theo DW.

Rượu có thể được phục vụ cho người không theo đạo Hồi trong khách sạn quốc tế. Du khách cũng sẽ thoải mái hơn một chút khi nói đến bia.

Budweiser, nhà tài trợ cho giải đấu của FIFA, sẽ có mặt bên trong các sân vận động. Cổ động viên có thể mua bia trước và sau trận đấu, nhưng không thể tự mang từ bên ngoài vào hoặc đi ra đường. Họ cũng có thể uống tại “khu vực dành cho người hâm mộ” ở công viên Al Bidda tại trung tâm Doha vào buổi tối.

Ủy ban Chuyển giao và Di sản tối cao Qatar (SC) tuyên bố: “Rượu không phải một phần của văn hóa Qatar mà là lòng hiếu khách. Vì vậy, người hâm mộ muốn uống rượu trong thời gian diễn ra World Cup có thể làm như vậy”.

Tuy nhiên, tất cả sẽ khác rất nhiều so với các kỳ World Cup trước đây, nơi hình ảnh cổ động viên tụ tập ở quảng trường để uống rượu trước trận đấu trở nên phổ biến.

 Cổ động viên không thể uống rượu bia tùy thích ở Qatar như các kỳ World Cup trước. Ảnh: Belga Photo/Bruno Fahy.

Cổ động viên không thể uống rượu bia tùy thích ở Qatar như các kỳ World Cup trước. Ảnh: Belga Photo/Bruno Fahy.

Lo ngại

Tại Qatar, đến sân vận động sớm có vẻ là cách tốt nhất cho người hâm mộ muốn tạo ra bầu không khí tương tự ở các kỳ World Cup trước. Tuy nhiên, họ chỉ có thể mua bia hoặc phiên bản không cồn của Budweiser cùng sản phẩm của Coca Cola - một nhà tài trợ giải đấu khác.

Bailey Brown, Chủ tịch Hội đồng Người ủng hộ khu vực Bắc Mỹ, lo lắng nghịch lý là với những hạn chế, người hâm mộ có thể uống quá nhiều trong khuôn viên sân vận động trước các trận đấu.

“Mọi người sẽ uống rượu đến mức độ nào khi biết mình chỉ có 3 giờ trước trận đấu ở khu vực này? Tôi nghĩ điều đó đáng lo ngại hơn. Tình trạng say xỉn sẽ xảy ra nhiều hơn”, bà nói.

Martha Gens, thành viên của nhóm ủng hộ bóng đá châu Âu và điều hành hiệp hội người hâm mộ Bồ Đào Nha, nói: “Quốc gia đăng cai World Cup năm nay phải chấp nhận rượu là một phần của văn hóa bóng đá. Họ càng cố gắng kiềm chế rượu bia, mọi người càng muốn làm điều ngược lại. Đó là một phần của bản chất con người”.

Khách sạn là lựa chọn an toàn khác để du khách mua đồ uống có cồn, nhưng giá dự kiến dao động 13-17 USD, có thể giảm giá vào đầu buổi tối.

 Các khu vực bên trong sân vận động sẽ được dành để uống rượu ở Qatar. Ảnh: Hamad I Mohammed/Reuters.

Các khu vực bên trong sân vận động sẽ được dành để uống rượu ở Qatar. Ảnh: Hamad I Mohammed/Reuters.

Cảnh tượng cổ động viên đắm chìm trong rượu bia ở các giải đấu trước đây rất khó xảy ra ở Qatar. Nguyên nhân là thách thức trong việc tìm mua rượu và thực tế rằng số lượng người hâm mộ từ các quốc gia có khả năng gây rối bị hạn chế.

Người hâm mộ đội tuyển Anh có tiếng xấu đặc biệt. Những chiếc ghế nhựa hay rác thải kinh khủng hơn bị vứt lung tung ở một số nơi như Marseille, Pháp (1998, 2016) từng là chủ đề lặp đi lặp lại, hay rắc rối ở trận chung kết Euro 2020 giữa đội tuyển Anh và đội vô địch Italy tại Wembley (London).

Phải uống đúng chỗ

Ở Qatar, cổ động viên Anh lại gặp phải những vấn đề khác, ngay cả khi chỉ uống một cốc bia không đúng chỗ.

Hiệp hội cổ động viên bóng đá Anh và xứ Wales đưa ra hướng dẫn chi tiết cho người hâm mộ đến Qatar về việc uống rượu.

“Không mang rượu vào Qatar hoặc uống trên đường phố. Bạn có thể bị đuổi về nhà và/hoặc bị bắt giữ. Chỉ có một cửa hàng được cấp phép bán rượu ở Qatar nhưng quản lý nghiêm ngặt và chỉ dành cho người dân”, hướng dẫn cho biết.

 Người hâm mộ đội tuyển Anh nổi tiếng với thói quen uống rượu tại các giải đấu lớn. Ảnh: Matt Dunham/dpa.

Người hâm mộ đội tuyển Anh nổi tiếng với thói quen uống rượu tại các giải đấu lớn. Ảnh: Matt Dunham/dpa.

Quốc gia có số lượng người mua nhiều vé xem World Cup nhất ngoài Qatar là Mỹ, mặc dù số liệu chính xác chưa được FIFA công bố. Nhiều người trong số này là fan của các đội bóng nước ngoài.

Chủ tịch Hội đồng Người ủng hộ khu vực Bắc Mỹ Bailey Brown nói thêm: “Tôi chỉ cảm thấy việc uống rượu bia ở Qatar nguy hiểm vì không có sự minh bạch. Nếu bạn bị bắt gặp đang uống bia hoặc say xỉn ở nơi công cộng, điều gì sẽ xảy ra?”.

Trong nỗ lực chào đón người hâm mộ đến từ nền văn hóa cho phép uống rượu, Ủy ban Chuyển giao và Di sản tối cao Qatar đưa ra các quy tắc rõ ràng.

“Người hâm mộ nên lưu ý rằng việc uống rượu bia bên ngoài các khu vực quy định là điều bị cấm”, thông báo viết.