CTCP Licogia 14 (mã chứng khoán L14) công bố báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét cho kỳ hoạt động từ 1/1/2022 đến 30/6/2022 với số liệu khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ.
Khoản “lỗ” đầu tư chứng khoán đã “biến mất” hơn 320 tỷ đồng
Bất ngờ lớn nhất chính là số lỗ sau thuế nửa đầu năm 2022 còn lại -23,7 tỷ đồng – trong khi số liệu trên BCTC hợp nhất quý 2/2022 công ty tự lập lại có số lỗ khủng hơn 234 tỷ đồng. Số liệu chênh lệch nhiều do đâu?
-Thứ nhất, Chỉ tiêu “dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh” đã bất ngờ điều chỉnh giảm từ gần 380 tỷ đồng theo số liệu BCTC công ty tự lập về mức gần 63 tỷ đồng theo số liệu trên BCTC soát xét bán niên. Tương ứng chỉ tiêu này đã điều chỉnh giảm khoảng 320tỷ đồng sau soát xét.
-Số liệu ghi nhận, chỉ tiêu dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư điều chỉnh giảm, ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ tiêu “chi phí tài chính” trên BCTC: BCTC soát xét ghi nhận chi phí tài chính trong kỳ còn gần 64 tỷ đồng – trong khi BCTC tự lập ghi nhận khoản chi phí này đã 418 tỷ đồng – tương ứng chênh lệch 354 tỷ đồng.
-Chỉ tiêu doanh thu hoạt động tài chính cả năm đạt 155 tỷ đồng theo số liệu trên BCTC công ty tự lập trước đó thì đã giảm về còn chưa đến 10 tỷ đồng theo số liệu sau soát xét – tương ứng chênh lệch 146 tỷ đồng. Mà khoản doanh thu tài chính chênh lệch này do Licogi14 ghi nhận lãi đầu tư cổ phiếu 146 tỷ đồng từ quý 1/2022.
-Các chỉ tiêu khác trên BCTC soát xét bán niên có điều chỉnh so với số liệu công ty tự công bố trước đó, nhưng mức độ ảnh hưởng không quá lớn.
(Ảnh: BCTC quý 2/2022 do Licogi 14 tự lập)
(Ảnh: BCTC soát xét bán niên 2022)
Kết quả, số liệu trên BCTC công ty tự lập quý 2/2022 ghi nhận Licogi 14 lỗ sau thuế 234 tỷ đồng, trong khi số liệu công ty tự lập ghi nhận khoản lỗ hơn 23,7 tỷ đồng – tương ứng chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng.
Vậy Licogi 14 đã “hô biến” khoản chênh lệch về tài chính kia đi đâu?
Câu chuyện lại trở về với việc khoản chênh lệch tài chính kia được Licogi 14 “hô biến” đi đâu? Thì câu trả lời chính là từ Công ty con – CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 (LFI). Diễn biến câu chuyện cũng khá đơn giản:
-Ngày 12/8/2022 – trước giờ G công bố báo cáo soát xét bán niên 2022 - Licogi 14 ra thông báo thay đổi mô hình công ty và loại báo cáo tài chính. Trong đó đối với Licogi 14, từ công ty hoạt động theo mô hình “có đơn vị kế toán trực thuộc và công ty con” với loại hình BCTC công bố là "BCTC riêng của công ty và BCTC hợp nhất". Thì sau khi thay đổi, Licogi 14 trở thành công ty hoạt động theo mô hình “có đơn vị kế toán trực thuộc” và chỉ phải công bố Báo cáo tài chính tổng hợp. Licogi 14 đã không còn công ty con.
-Quyết định thay đổi mô hình hoạt động của công ty dù công bố ngày 12/8/2022 nhưng ngày có hiệu lực là từ 18/6/2022. Mà nguyên nhân là do công ty con của Licogi 14 là CTCP Đầu tư Tài chính Licogi 14 đã phát hành cổ phiếu ESOP cho CBCNV, người lao động, nên tỷ lệ sở hữu tại Công ty con thay đổi từ 51% xuống còn 48,57% và trở thành công ty liên kết.
-Giải trình tại BCTC soát xét bán niên 2022, Licogi 14 ghi nhận CTCP Đầu tư Tài chính Licogi 14 (LFI) đã thực hiện phát hành 550.000 cổ phiếu ESOP (5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Do vậy tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 tại LFI giảm từ 51% xuống còn 48,57% và biến LFI thành công ty liên kết. LFI sau tăng vốn có vốn điều lệ 115,5 tỷ đồng, trong đó Licogi 14 đầu tư 56,1 tỷ đồng.
Licogi 14 vẫn “ôm” cổ phiếu CEO và DIG
Khoản lỗ chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 trên BCTC quý 2/2022 do công ty tự lập đến từ việc công ty trích lập dự phòng chứng khoán đầu tư. Dù vậy Licogi 14 không liệt kê danh sách chứng khoán nắm giữ.
Tuy vậy tại BCTC soát xét bán niên 2022, sau khi “loại bỏ” Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14 ra khỏi danh sách công ty con, thì khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 vẫn còn lại danh mục đầu tư vào 2 cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng và CEO của Tập đoàn C.E.O. Tuy vậy số lượng cổ phiếu không còn nhiều.
Tổng giá trị đầu tư gốc vào 2 cổ phiếu này vẫn còn hơn 105 tỷ đồng, trong đó đổ hơn 86 tỷ đồng vào cổ phiếu CEO (hơn 1,32 triệu cổ phiếu) và gần 19 tỷ đồng vào DIG (217.300 cổ phiếu). Khoản đầu tư này vẫn “tạm lỗ” gần 63 tỷ đồng – là khoản công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Licogi 14 đã không còn “kiên định” với ý kiến ban đầu?
Licogi 14 được các nhà đầu tư nhắc đến nhiều khi cổ phiếu bất ngờ “bốc đầu” tăng mạnh. Các nhóm chứng khoán, các diễn đàn cũng “tung hô” L14 kèm với các cổ phiếu mà Licogi 14 đang “ôm” như DIG, CEO. Và khi nhiều nhà đầu tư “đu đỉnh” nhóm cổ phiếu này “rớt” dài thì Licogi 14 vẫn lên tiếng khẳng định sẽ “ôm” lâu dài chờ đợi.
Nói về việc đầu tư chứng khoán, trước đó Licogi 14 còn giải trình rằng công ty đã xác định ngành nghề kinh doanh chính là ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH, KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN, THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ. Do vậy công ty đã thành lập hội đồng đầu tư với đội ngũ có kiến thức, kinh nghiệp, trải nghiệm chuyên môn sâu, phân tích kỹ các mã chứng khoán có lợi thế, tiềm năng, uy tín và thương hiệu, đồng thời chớp thời cơ để bỏ vốn đầu tư. Công ty mẹ Licogi 14 cũng đã quyết định dành một phần vốn hợp lý để đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Giải trình cho việc đầu tư tài chính thua lỗ nặng nề tại BCTC quý 2/2022 do công ty tự lập, Licogi 14 cho rằng ngoài sự ảnh hưởng chung của thị trường chứng khoán trên Thế giới và tại Việt Nam, thì việc thời gian qua nhiều sai phạm lớn về thao túng giá chứng khoán, phát hành trái phiếu đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư, đến cảm xúc của các cổ đông. Licogi 14 cho rằng hiện tất cả các mã chứng khoán công ty đang đầu tư đều là của các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về các dự án bất động sản, có nền tài chính vững mạnh, có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Do vậy Licogi 14 xác định sẽ vẫn “ôm” lâu dài chờ thời.
Quyết định phát hành cổ phiếu ESOP của Công ty con Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14 đã “cứu” cho Licogi 14 khoản thua trông thấy về số lỗ khi đầu tư chứng khoán kinh doanh.