Gói thầu hơn 2.000 tỷ chỉ tiết kiệm ngân sách 45 triệu
Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (Công ty Đạt Phương - HoSE: DPG) được biết đến là doanh nghiệp có tiếng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình giao thông, thuỷ điện trong nước. Doanh nghiệp được thành lập vào ngày 12.3.2002, trụ ở tại Hà Nội, người đại diện pháp luật là ông Trần Anh Tuấn. Vào Năm 2018, Đạt Phương niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán là DPG.
Những năm gần đây, công ty liên tiếp trúng hàng chục gói thầu thi công xây lắp, nạo vét… với tổng trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Báo Đại biểu Nhân dân, mới đây nhất, đầu năm 2023, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự Án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận Tải) đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL-02: Xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913-km6+423 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) và đảm bảo ATGT thủy cầu Rạch Miễu 2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Theo đó, Công ty Cổ phần tập đoàn Đạt Phương đã trúng thầu gói thầu nêu trên với vai trò liên danh phụ của Công ty Cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam.
Giá trúng thầu là 1.268 tỷ đồng (đã làm tròn). Đáng chú ý, so với giá gói thầu được công bố là 1.270 tỷ đồng (đã làm tròn), giá trúng thầu tiết kiệm vỏn vẹn được 2 tỷ đồng (tương đương 0,2 %). Nguồn vốn của gói thầu này đến từ ngân sách nhà nước.
Tương tự, ngày 23.12.2022, Đạt Phương trúng gói thầu XL1 xây dựng cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu (gồm: Cầu, đường 2 đầu cầu, đường dẫn và chi phí dự phòng, chi phí đảm bảo an toàn giao thông) thuộc dự án: thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 và 2 đầu cầu thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình. Tại gói thầu này, vai trò của Đạt Phương là nhà thầu độc lập. Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án Thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình.
Đáng chú ý, Giá dự toán gói thầu đưa ra là 1.147 tỷ đồng (đã làm tròn), giá trúng thầu là 1.145 tỷ đồng (đã làm tròn). Như vậy, giá trúng thầu tiết kiệm chỉ 2 tỷ đồng tương tự như gói thầu nêu trên.
Trước đó, ngày 21.3.2022, Đạt Phương đã trúng thầu gói thầu Gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây lắp (giai đoạn 1) bao gồm: Bảo hiểm xây lắp; Đảm bảo giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải) phục vụ thi công; thí nghiệm chuyên ngành về chất lượng công trình. do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế mời thầu với vai trò liên danh phụ của Liên danh Tân Nam - Đạt Phương - 479 Hòa Bình.
Giá dự toán gói thầu này là 2.088.527.850.000 VND, giá trúng thầu được công bố là 2088.482.890.000 VNĐ. Như vậy, gói thầu tiết kiệm được gần 45 triệu (tương đương tỷ lệ 0,003 %) ngân sách nhà nước.
Theo Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội): "Với các dự án sử dụng tiền ngân sách nhà nước, chủ đầu tư phải thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, không vụ lợi, móc ngoặc. Mọi dấu hiệu trục lợi đều sẽ không thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Những trường hợp các gói thầu này khi trúng nếu liên tục sát với giá dự toán gói thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp sẽ khiến dư luận đặt ra câu hỏi về việc tối ưu tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, các cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh kiểm tra ngay để đảm bảo sự minh bạch và nghiêm minh của pháp luật".
Doanh thu của Đạt Phương chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng
Dữ liệu tài chính hợp nhất quý 4 năm 2022 thể hiện, doanh thu thuần quý 4 của DPG đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 261 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp lùi về 23,9%.
Doanh thu tài chính của công ty tăng 81% so với cùng kỳ lên 16,5 tỷ đồng do lãi tiền gửi có kỳ hạn tăng cao. Chi phí tài chính cũng tăng lên gần 51 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý này, chi phí bán hàng của DPG giảm mạnh từ 111 tỷ đồng trong quý 4.2021 xuống còn 27 tỷ đồng trong quý 4.2022 do chi phí dịch vụ mua ngoài giảm. Điều đó khiến cho DPG lãi thuần 171 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Dù khoản lợi nhuận khác âm 1,4 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 10 tỷ trong quý 4 năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế DPG vẫn đạt 169 tỷ đồng, tăng 6,6%. Lợi nhuận sau thuế đạt 154 tỷ đồng, tăng 5%.
Lũy kế cả năm 2022, DPG đạt 3.319 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 595 tỷ đồng, tăng 15%. Lợi nhuận sau thuế đạt 530 tỷ đồng, tăng 18% so với 2021.
Phần lớn doanh thu của Đạt Phương đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng (chiếm 61% doanh thu năm 2022), phù hợp với việc doanh nghiệp trúng hàng loạt các gói thầu nghìn tỷ về lĩnh vực xây lắp.
Tiếp sau đó là doanh thu bán điện (chiếm 20%). Tuy nhiên, điện lại là mảng mang lại lợi nhuận gộp chủ yếu cho DPG. Năm 2022, lợi nhuận gộp mảng điện của DPG là 503 tỷ, trong khi mảng xây dựng là 112 tỷ.
Tính đến ngày 31.12.2022, tổng tài sản DPG đạt 6.150 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả của DPG ở mức 3.932 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm và chiếm 64% cơ cấu nguồn vốn của công ty. Trong đó, nợ vay tài chính ở mức 2.661 tỷ đồng, có 1.044 tỷ là nợ vay ngắn hạn và 1.617 tỷ đồng là nợ vay dài hạn. Vốn chủ sở hữu công ty đạt 2.218 tỷ đồng.