LienVietPostBank mua lại trước hạn hơn 1.800 tỷ đồng trái phiếu

LienVietPostBank cho biết đã chốt danh sách người sở hữu trái phiếu vào ngày 15/11 và sẽ tiến hành mua lại từ ngày 24/11.
lienvietpostbank-da-chot-danh-sach-nha-dau-tu-so-huu-lo-trai-phieu-ma-lpb7y202001-va-se-tien-hanh-mua-lai-tu-ngay-24-thang-11-1669253319.png
LienVietPostBank đã chốt danh sách nhà đầu tư sở hữu lô trái phiếu mã LPB7Y202001 và sẽ tiến hành mua lại từ 24/11. Ảnh: LPB.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank (LPB) - vừa có thông báo về việc tiếp tục thực hiện kế hoạch mua lại 1.814 tỷ đồng trái phiếu trước hạn sau 2 năm kể từ ngày phát hành. Việc mua lại được ngân hàng thực hiện theo quyền mua lại của tổ chức phát hành.

Theo LienVietPostBank, đây là điều khoản đã được công bố trong bản công bố thông tin tại thời điểm ngân hàng phát hành trái phiếu. Nhà băng cũng cho biết đã chốt danh sách người sở hữu trái phiếu vào ngày 15/11 và sẽ tiến hành mua lại từ ngày 24/11.

Thực tế, kế hoạch mua lại trái phiếu đợt này đã được ban lãnh đạo LienVietPostBank đề cập từ đầu tháng. Theo đó, trái phiếu mua lại đợt này có mã LPB7Y202001 với ngày thanh toán lãi thứ 2 là 24/11, trùng với ngày ngân hàng dự kiến bắt đầu mua lại trái phiếu.

Theo LienVietPostBank, nguồn tiền dùng để mua lại trái phiếu đợt này sẽ là lấy từ nguồn thu nợ gốc/lãi của các khoản vay được tài trợ vốn từ nguồn vốn phát hành trái phiếu và nguồn vốn huy động khác. Ngoài ra, nguồn vốn ngân hàng tự tích lũy, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cũng sẽ được dùng để làm nguồn vốn mua lại trái phiếu.

Với giá mua lại 10 triệu đồng/trái phiếu (bằng mệnh giá), LienVietPostBank sẽ mua lại 181.428 trái phiếu trước hạn đợt này, tương đương tổng giá trị hơn 1.814 tỷ đồng.

Trên thị trường, LienVietPostBank không phải nhà băng duy nhất có kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn. Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trong 9 tháng đầu năm nay là hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

gia-tri-mua-lai-trai-phieu-cua-mot-so-ngan-hang-1669253387.png
 

Trong đó, riêng khối tổ chức tín dụng đã ghi nhận một số ngân hàng thương mại có số dư trái phiếu mua lại trước hạn lớn như BIDV mua lại 12.672 tỷ đồng; VIB mua lại 8.800 tỷ; LienVietPostBank mua lại trước đó 8.000 tỷ; SHB là 5.450 tỷ; TPBank là 4.900 tỷ và OCB cũng mua lại 4.700 tỷ đồng...

Theo các chuyên gia, việc mua lại trước hạn trái phiếu thường được thực hiện trong các trường hợp thực hiện quyền mua lại của tổ chức phát hành, quyền bán lại của người sở hữu trái phiếu, mua lại theo thỏa thuận hoặc mua lại trái phiếu bắt buộc.

Trong tất cả trường hợp kể trên, việc mua lại đều phải được công bố minh bạch, rõ ràng trong Bản công bố thông tin tại ngày phát hành. Bản công bố thông tin cung cấp toàn bộ thông tin của tổ chức phát hành, thông tin về trái phiếu cũng như các điều khoản, điều kiện liên quan đến trái phiếu phát hành. Nhà đầu tư có nghĩa vụ đọc kỹ công bố thông tin trước khi thực hiện đầu tư.

Về kết quả kinh doanh của LienVietPostBank, báo cáo tài chính quý III cho biết ngân hàng này là một trong những nhà băng về đích sớm, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.

Theo đó, LienVietPostBank đã thu về hơn 4.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau ba quý kinh doanh đầu năm, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập cũng tăng tương ứng, đạt hơn 3.800 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt hơn 313.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Nhà băng này mới đây cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 15.036 tỷ đồng lên 20.091 tỷ đồng.