PVC chế tạo thi công kho chứa LPG Dung Quất. (Ảnh minh họa: PVC).
Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - Mã: PVX) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2021 với doanh thu thuần sau kiểm toán giảm 6 tỷ đồng xuống 997 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Lỗ sau thuế 39 tỷ đồng trong khi trước soát xét là 87 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là PVC đã đánh giá lại một số khoản trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, lợi nhuận chưa thực hiện, các khoản đầu tư tài chính của một số đơn vị thành viên theo chuẩn mực kế toán và chế độ tài chính hiện hành.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Kiểm toán VACO đã từ chối đưa ra kết luận do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra kết luận về báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ.
Cụ thể, tại ngày 30/6, lỗ lũy kế của PVC là 3.984 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoản 865 tỷ khiến công ty thiếu hụt vốn lưu động để trả các khoản nợ đến hạn. Do đó kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty.
Ngoài ra, trong tháng 5, PVC không còn nắm giữ quyền kiểm soát tại công ty con là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland). Các xử lý kế toán tại thời điểm chuyển Petroland thành công ty liên kết được xác định theo báo cáo tài chính quý I/2021 chưa được kiểm toán.
Trong khi báo cáo tài chính này vẫn chưa xử lý được các vấn đề kiểm toán viên ngoại trừ trên báo cáo của Petroland cho năm tài chính 2019 và 2020. Do đó, kiểm toán không thể xác định có cần thiết điều chỉnh các số liệu có liên quan hay không...
PVC bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ kể năm 2017. (Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của PVC).
Theo công văn giải trình của PVC, các điểm nhấn mạnh mà kiểm toán đưa ra không phải là phần hạn chế phạm vi kiểm toán, do công ty đã cung cấp đầy đủ các chứng từ cần thiết để kiểm toán viên có cơ sở đánh giá vấn đề.
PVC cũng cho biết công ty nhận thức rõ về khó khăn hiện tại và đang từng bước vượt qua. Công ty cũng đã có định hướng và giải pháp khắc phục, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Trong đó PVC sẽ tiếp tục thi công trên các công trình đang thực hiện, tổ chức đấu thầu để tìm kiếm và bổ sung nguồn việc; tái cấu trúc tổng thể công ty thông qua thoái vốn tại các đơn vị không thuộc chuỗi ngành nghề chính,...
Ngoài ra PVC sẽ tích cực rà soát, đối chiếu thu hồi công nợ, xây dựng kế hoạch chi tiết thu hồi cho từng tháng, từng quý,... Đồng thời doanh nghiệp sẽ làm việc với cơ quan quản lý nhà nước để đẩy nhanh phê duyệt các chi phí phát sinh tại dự án đang tham gia.
Song song đó đơn vị này sẽ làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tái cơ cấu các khoản nợ, đàm phán giảm lãi suất vay vốn và thu xếp đủ vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
PVC là doanh nghiệp chủ lực của ngành dầu khí trong lĩnh vực xây lắp chuyên ngành dầu khí bao gồm thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các công trình dầu khí, giàn khoan, chân đế giàn khoan (trên đất liền, ngoài biển), các kết cấu kim loại, bồn bể chứa xăng dầu, khí hóa lỏng, nước; chế tạo và cung cấp các loại ống chống cần khoan, ống nối, khớp nối, đầu nối và phụ kiện phục vụ trong lĩnh vực khoan, khai thác dầu khí; đóng tàu vận tải dầu, khí, hóa chất; kinh doanh vật tư, thiết bị xây dựng và thiết bị phục vụ ngành dầu khí.
Các dự án PVC làm tổng thầu EPC gồm Tổng kho LPG Gò Dầu, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình II, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch II, Nhà máy nhiên liện sinh học Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Xơ sợi Tổng hợp Polyeste Đình Vũ…