Điềm báo chiến tranh
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu rút khỏi các trạm quan sát quân sự đặt trong các khu vực hiện do quân đội Syria kiểm soát ở Idlib. Nhưng theo tờ Al-Monitor, động thái này giống như một điềm báo chiến tranh hơn là dấu hiệu của sự hòa giải và rút lui.
Tiền đồn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Morek - một trong số nhiều cứ điểm bị quân đội Syria bao vây kể từ khi chiếm được đường cao tốc M5 vào tháng 2 - đã được sơ tán trong hai ngày 19 và 20/10, với dự kiến các tiền đồn khác cũng sẽ đi theo.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu áp lực ngày càng tăng của Nga trong việc phải rút khỏi các tiền đồn bị bao vây. Gần đây nhất, vấn đề này đã được nêu ra tại cuộc đàm phán quân sự ngày 16/9 ở Ankara, với việc phía Nga thúc ép Thổ Nhĩ Kỳ giảm sự hiện diện quân sự, loại bỏ vũ khí hạng nặng khỏi khu vực và đẩy các nhóm vũ trang ra khỏi đường cao tốc M4 như cam kết trước đó.
Sau cuộc leo thang bạo lực ở Idlib vào cuối tháng 2, Ankara vẫn kiên quyết giữ các tiền đồn quân sự của mình, dựa vào sự đảm bảo an ninh của Nga. Nhờ có các hành lang an toàn do người Nga cung cấp, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tế cho quân đội trong 8 căn cứ bị bao vây.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ sơ tán tiền đồn Morek diễn ra ngay sau khi nước này mạo hiểm tiến vào sân sau của Nga ở Caucasus, mở rộng sự hỗ trợ cho Azerbaijan trong cuộc xung đột kéo dài với Armenia, bao gồm cả việc điều chuyển các chiến binh từ Syria đến hỗ trợ. Rất có thể điều này đã khiến Moscow rút lại các đảm bảo an ninh cho Ankara ở Idlib.
8 trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ - tại Sheikh Aqil, Anadan, Rashidin, al-Ais, Tell Touqan, al-Surman, Arima và Morek - vẫn nằm trong các vùng lãnh thổ bị lực lượng Syria chiếm lại. 9 căn cứ khác của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được thiết lập nhằm ngăn chặn quân đội Syria cũng bị bao vây tương tự.
Moscow và Damascus đã tiến hành cuộc tấn công với lý do Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Sochi vào tháng 9/2018, trong đó kêu gọi mở lại các tuyến đường M4 và M5, thiết lập vành đai an ninh xung quanh Idlib và loại bỏ các nhóm khủng bố trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập các trạm quan sát vào năm 2017 và 2018 như một phần của các thỏa thuận trong tiến trình hòa bình Astana.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức thông báo về việc rút quân và vẫn chưa biết nước này sẽ sơ tán bao nhiêu tiền đồn. Các nguồn tin đối lập Syria cho biết, việc rút quân đã được quyết định vào giữa tháng 10 và bao gồm ba khu vực khác ngoài Morek, dự kiến sẽ được sơ tán vào cuối năm nay. Theo các nguồn tin khác, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tháo dỡ và đóng gói các thiết bị quân sự tại nhiều địa điểm khác.
Động cơ rút quân của Thổ Nhĩ Kỳ là gì?
Bằng cách ký thỏa thuận ngày 5/3 với Nga sau khi không ngăn được quân đội Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận quyền kiểm soát của chính quyền Syria đối với cao tốc chiến lược M5, đồng thời chấp nhận các cam kết về việc mở lại cao tốc M4, tạo ra một khu vực an ninh kéo dài tới 6 km ở hai bên đường và tiến tới loại bỏ các nhóm khủng bố.
Nhưng trong khi tiến hành các cuộc tuần tra chung với Nga dọc theo đường M4, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực nhằm kiềm chế lực lượng Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cử hai hoặc ba đoàn xe quân sự mỗi tuần đến Idlib kể từ ngày 5/3, thiết lập khoảng 140 điểm quân sự được trang bị xe bọc thép, xe tăng, pháo và vũ khí phòng không xung quanh đường M4. Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria, hơn 10.600 xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào Idlib từ ngày 2/2 đến ngày 20/10.
Sự mở rộng và bố trí triển khai quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nói lên nỗ lực nâng cao hàng rào chống lại quân đội Syria của nước này.
Thoạt nhìn, việc Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi các trạm quan sát có thể cho thấy nước này tỏ ra nhún nhường trước áp lực của Nga, nhưng các hoạt động quân sự xung quanh M4 lại nói lên việc Ankara chuẩn bị cho chiến tranh mới.
Sự leo thang trên thực địa có thể phát triển thành một cuộc đọ sức quân sự nhấn chìm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một kịch bản như vậy, các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành con tin của Damascus, vì vậy việc giữ quân ở các tiền đồn là không thực sự hợp lý.
Nói cách khác, việc Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ các tiền đồn có thể được thúc đẩy bởi ý định tái bố trí lực lượng, củng cố các cứ điểm có thể phòng thủ và đáp trả trong trường hợp xảy ra đụng độ.
Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cố gắng ngăn chặn quân đội Syria vượt qua M4 và tiến về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Bất kỳ nhượng bộ nào của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib sẽ phụ thuộc vào quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tell Rifat và Manbij, nơi lực lượng người Kurd triển khai tại đây.
Theo một nghĩa rộng hơn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn hướng tới mục tiêu tạo ra một vành đai an ninh lên đến 40 km dọc theo biên giới mặc dù vướng trở ngại của Nga và Mỹ.
Tóm lại, việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quân sự ở Idlib có thể là một nỗ lực răn đe và tình hình đang bước vào giai đoạn mà một tia lửa nhỏ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hủy diệt.