Loạt bất động sản 'đắp chiếu' gắn tên các ông lớn ngân hàng

09/07/2021 14:02

Nhiều dự án được giao cho các ngân hàng như BIDV, SHB, Vietcombank, VietinBank từ chục năm trước nhưng đến nay vẫn chậm triển khai.

Dự án bỏ hoang nhiều năm

Dự án Cao ốc văn phòng và trung tâm tài chính ngân hàng tại số 117 - 119 - 121 Nguyễn Huệ và số 16 Tôn Thất Thiệp, quận 1, TP HCM do BIDV làm chủ đầu tư vừa có kết luận thanh tra chậm triển khai trong 12 năm.

Theo đó, được giao đất từ năm 2009 nhưng đến nay, BIDV chưa đưa vào sử dụng, chưa triển khai thực hiện. Phía TP HCM không có biện pháp xử lý, thu hồi theo quy định, do vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị TP HCM chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý theo quy định. Hiện tại, dự án này đang là đất trống, được cho thuê làm dịch vụ giữ xe.

Một dự án xây dựng văn phòng làm việc và giao dịch khác của BIDV cũng bị "đắp chiếu" trên 10 năm là BIDV Diamond thuộc địa phận quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy, Hà Nội. Diện tích khu đất hơn 3.300 m2. 

Từ năm 2002, Hà Nội đã thu hồi đất và giao cho BIDV Thăng Long thuê trong 30 năm. Đến 2007, dự án được điều chỉnh quy hoạch, tăng chiều cao từ 13 lên 30 tầng, mật độ xây dựng khoảng 50%. Đến 2009, Hà Nội cho phép chuyển từ thuê đất trả tiền hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án, BIDV được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Năm 2010, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đề nghị trong 6 tháng kể từ ngày 1/2, nếu BIDV không đưa đất vào sử dụng thì phải trả lại thành phố. Sau đó năm 2011, dự án được điều chỉnh tên người sử dụng từ BIDV Thăng Long sang BIDV, thời hạn sử dụng đất từ 30 năm lên tới 50 năm. BIDV nộp vào ngân sách hơn 168 tỷ đồng. 

Năm 2014, Sở TN&MT Hà Nội đã có Kết luận thanh tra, tiếp tục trình UBND TP chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất đối với dự án Tháp BIDV Diamond. Đến nay dự án chưa có thông tin gì thêm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng có một dự án hơn 2.200 m2 tại số 31 - 35 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chậm triển khai. Khu đất được Hà Nội quyết định công nhận quyền sử dụng cho SHB năm 2015, tuy nhiên đến nay vẫn là bãi trông giữ xe.

Trong bản đề án ban đầu, SHB đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng 14 tầng, cao 45 m. Theo lời ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB tại phiên họp ĐHCĐ thường niên năm 2017, sở dĩ SHB chưa xây trụ sở được là do trung tâm thành phố khống chế chiều cao, do đó, nhà băng này phải chờ xin ý kiến từ Thủ tướng. 

afdanh-155365703673-9853-1625729742.png

Khu đất của SHB tại quận Hoàn Kiếm vẫn chưa triển khai từ năm 2015. Ảnh: Lâm Tùng

Ông lớn ngân hàng khác là Vietcombank cũng chôn vốn tại dự án có diện tích lên tới 5.000 m2, 3 mặt tiền thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. Dự án này được giao từ năm 2008 để xây trụ sở nhưng đến nay vẫn bỏ hoang dù Vietcombank đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã được bàn giao đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với chi phí hơn 265 tỷ đồng.

Năm 2012, TP Hà Nội khẳng định lô đất để hoang hóa từ năm 2008 là vi phạm Luật Đất đai, yêu cầu quận Cầu Giấy lập hồ sơ thu hồi theo quy định. Báo cáo của kiểm toán Nhà nước thời điểm 2015 - 2016 chỉ rõ Vietcombank là một trong những ngân hàng có nhiều diện tích đất chậm triển khai hoặc chưa được sử dụng, trong đó có nhắc tới lô đất trên. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa có thông tin thu hồi hay triển khai xây dựng.

Một số công trình đang tìm giải pháp tháo gỡ

VietinBank cũng có 2 dự án đáng chú ý là 14 - 16 - 18 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM và tòa Vietinbank Tower, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại dự án ở quận 1, năm 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc cho TP HCM bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên theo giá trị trường cho VietinBank làm trụ sở làm việc. Ngân hàng sau đó đã nộp hơn 282 tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất (khi có dự án đầu tư cụ thể sẽ xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung theo quy định) với diện tích hơn 1.186 m2, thời hạn sử dụng đất 50 năm.

Tuy nhiên theo kết luận thanh tra, TP HCM chưa bàn giao đất cho VietinBank thực hiện dự án. Hiện tại, khu đất vẫn đang do CTCP Dịch vụ Thương mại Thành phố sử dụng, còn một hộ dân đang ở. Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP HCM rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp theo đúng quy định pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

45123458271-b9bde95e15-k-15560-7144-7389

Dự án VietinBank Tower 68 tầng đang xây dựng dở dang. Ảnh: Forty Media

Đối với dự án VietinBank Tower 68 tầng làm trụ sở chính VietinBank tại khu đô thị Ciputra (Hà Nội), ngân hàng đã tổ chức khởi công từ hơn 10 năm trước. Tổng vốn đầu tư theo kế hoạch khoảng 10.300 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất gần 3 ha gồm 2 tòa tháp 48 tầng và 68 tầng. Tuy nhiên đến nay, dự án mới xây ở những tầng nổi đầu tiên và dở dang nhiều năm không thi công. 

Ngân hàng này đang lên phương án tái cơ cấu dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện tổng thể đến quý I/2025. Lãnh đạo VietinBank tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 cho biết có 3 phương án tái cơ cấu dự án nhưng ưu tiên việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản/dự án và thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Tính đến hết quý I, dự án có 29 nhà đầu tư quan tâm, 2 nhà đầu tư đề xuất tài chính nội bộ.

Một công trình khác của VietinBank ở các vị trí đắc địa tại TP Hà Nội cũng chung tình cảnh tương tự. Dự án Văn phòng giao dịch và Nhà ở cho cán bộ, nhân viên VietinBank tại quận Đống Đa, Hà Nội, diện tích hơn 1.100 m2. Dù được khởi công từ năm 2017 nhưng đến nay, công trình đã dừng thi công. VietinBank đã nhiều lần thông báo đấu giá dự án này với giá khởi điểm trên 167 tỷ đồng nhưng chưa có kết quả.

Theo quy định của Luật Đất đai, chủ đầu tư dự án nếu không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa sẽ được cho phép gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. Sau thời gian đó, dự án sẽ bị xem xét thu hồi.

Bạn đang đọc bài viết "Loạt bất động sản 'đắp chiếu' gắn tên các ông lớn ngân hàng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#