Loạt tập đoàn, quỹ đầu tư Đan Mạch quan tâm thị trường điện gió Việt Nam

25/10/2022 13:23

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm Đan Mạch cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam của Thái tử kế vị Đan Mạch vào đầu tháng 11 tới, ngoài 3 quỹ đầu tư, có đến hơn một nửa trong tổng số 35 doanh nghiệp đi theo đoàn là doanh nghiệp trong lĩnh vực điện gió.

Hiện Việt Nam có tốc độ tăng trưởng sản xuất năng lượng tái tạo nhanh nhất Đông Nam Á và nằm trong số 10 quốc gia sản xuất điện mặt trời hàng đầu thế giới, năng lượng tái tạo chiếm hơn 11% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.

Riêng về đầu tư, trong năm nay, Đan Mạch đã nổi lên là 1 trong 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng đầu tư mới đạt 1.32 tỷ USD. Một trong những lý do Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn Đan Mạch là các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách thương mại và bền vững toàn cầu, gần đây đã chỉ ra năng lượng là yếu tố quyết định chính để họ đầu tư vào Việt Nam.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 9 tháng năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đan Mạch đạt hơn 554  triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch gần 385 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021.

3 quỹ đầu tư năng lượng điện gió của Đan Mạch quan tâm tới thị trường Việt Nam gồm:

IFU - quỹ độc lập thuộc sở hữu của chính phủ, chuyên cung cấp vốn rủi ro cho các doanh nghiệp đặt tại các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi. IFU đã đầu tư vào hơn 1,325 doanh nghiệp ở hơn 100 quốc gia ở châu Phi, châu Á, và một phần của châu Âu. Các khoản đầu tư đã cam kết tổng cộng 235 tỷ DKK (khoảng 31 tỷ USD), trong đó IFU đã giải ngân 26 tỷ DKK.

Copenhagen Infrastructure Partners, chuyên đầu tư tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo trên toàn cầu, với trọng tâm là quá trình chuyển đổi xanh cho điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hiện đang nổi lên.

EKF chuyên cấp vốn cho hoạt động xuất khẩu của các công ty Đan Mạch và giúp các công ty này giảm thiểu rủi ro khi thực hiện kinh doanh tại nước ngoài.

19 tập đoàn, doanh nghiệp của Đan Mạch quan tâm tới điện gió Việt Nam gồm:

Orsted Vietnam: Công ty con của Orsted là tập đoàn điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, chuyên phát triển, xây dựng và vận hành các trang trại điện gió ngoài khơi và trên đất liền, các cơ sở lưu trữ năng lượng, các cơ sở nhiên liệu xanh và hydro tái tạo và các nhà máy năng lượng sinh học. Tại Việt Nam, cùng với Tập đoàn T&T, Orsted hiện đang phát triển một số dự án gió ngoài khơi.

Copenhagen Offshore Partners: Doanh nghiệp đi đầu trên thế giới với kinh nghiệm thực hiện các dự án gió ngoài khơi. Hỗ trợ CIP trong Quản lý dự án gió ngoài khơi (phát triển, xây dựng và vận hành) và các dự án phát triển liên quan tại Việt Nam.

Poul Schmith: Là một trong những công ty luật trọn gói hàng đầu tại Đan Mạch. Poul Schmith chuyên tư vấn cho các khách hàng tư nhân Đan Mạch và khách hàng quốc tế trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi về đấu thầu, hợp đồng và tranh chấp.

Vestas Wind Systems A/S: Vestas là công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp năng lượng bền vững; chuyên thiết kế, sản xuất, lắp đặt, phát triển và bảo trì bảo dưỡng các dự án năng lượng gió và năng lượng hỗn hợp trên toàn thế giới.

HEMPEL A/S: đồng phát triển với các bên liên quan trong ngành điện gió như các nhà sản xuất tháp trên bờ, hệ thống sơn.

FORCE Technology: cung cấp các dịch vụ liên quan đến thiết kế, vận hành và bảo trì các tuabin gió và platform. Các dịch vụ của công ty thuộc các lĩnh vực quản lý toàn diện, kiểm tra và mô phỏng thử nghiệm, kiểm tra không phá hủy (NDT) cũng như phân tích lỗi, tính toán, thiết kế, xác minh và giám sát tình trạng.

Liftra ApS: chuyên thiết kế, xây dựng, sản xuất và cung cấp các giải pháp được thiết kế riêng cho các nhiệm vụ nâng và vận chuyển đặc biệt và thiết bị chìa khóa trao tay cho một số mô hình tuabin nhất định.

DHI A/S: chuyên xử lý liên quan đến môi trường nước bao gồm sông, giếng, đại dương, đường bờ biển, trong khu vực thành phố hoặc nhà máy.

Shoreline Wind: chuyên thiết kế toàn bộ trang trại gió bằng cách mô phỏng, mô hình hóa và phân tích các kịch bản trong một môi trường ảo không có rủi ro. Công ty cũng quản lý toàn bộ chu trình từ lập kế hoạch công việc, lập lịch trình các nguồn lực, theo dõi tiến trình đến báo cáo sản xuất.

Siemens Gamesa Renewable Energy: chuyên thiết kế và sản xuất tuabin gió cũng như cung cấp các dịch vụ vận hành, bảo trì và tối ưu hoá tuabin, sử dụng dữ liệu lớn (big data).

UXV Technologies Aps: chuyên phát triển bộ cảm biến, nhận biết và điều khiển từ xa cho các công ty dịch vụ sửa chữa ở nước ngoài.

GEUS - Geological Survey of Denmark and Greenland: GEUS thực hiện lập bản đồ, tổng hợp và lưu trữ dữ liệu, nghiên cứu, giám sát và tư vấn trong lĩnh vực nước, năng lượng, khoáng sản, khí hậu và môi trường ở Đan Mạch và Greenland. GEUS cũng thực hiện các hoạt động liên quan đến năng lượng, khoáng sản, nước, khí hậu và môi trường trên cơ sở hợp đồng cho các cơ quan nhà nước, cơ quan nghiên cứu, công ty tư nhân và khách hàng bên ngoài Đan Mạch.

COWI A/S: COWI là nhà cung cấp dịch vụ trọn gói về năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi. Công ty này cung cấp dịch vụ ở tất cả giai đoạn của các dự án điện gió từ khảo sát địa điểm, nghiên cứu khả thi đến giai đoạn "sẵn sàng xây dựng" cũng như mở rộng vòng đời của các trang trại điện gió hiện có.

Semco Maritime A/S: Semco Maritime là công ty kỹ thuật và làm theo hợp đồng cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng. Kể từ giai đoạn ban đầu của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, Semco Maritime hỗ trợ việc thiết kế kỹ thuật, sản xuất chế tạo, lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng các tài sản liên quan đến điện gió ngoài khơi, cung cấp dịch vụ quản lý dự án sâu rộng qua nhiều giai đoạn khác nhau của dự án năng lượng.

NOVENCO Building & Industry A/S: Sứ mệnh của NOVENCO là cung cấp các giải pháp thông gió bền vững, thân thiện nhất với môi trường.

Hyme Energy: Hyme đang hoàn thiện một giải pháp lưu trữ năng lượng nhiệt quy mô lưới dựa trên muối nóng chảy để cải thiện đáng kể việc tích hợp năng lượng bền vững trong hệ thống năng lượng.

Cadeler: là nhà cung cấp các dịch vụ hỗ trợ gió ngoài khơi chất lượng cao, kết hợp với thiết kế tàu sáng tạo.

Global Wind Academy: Học viện Điện gió toàn cầu là trung tâm đào tạo độc lập, cung cấp đào tạo cho nhiều ngành công nghiệp. Các hướng dẫn viên của Học viện cung cấp đào tạo phù hợp trên phạm vi toàn cầu, dành cho An toàn GWO (Tổ chức gió toàn cầu), và các chương trình đào tạo kỹ thuật cơ bản, và dành cho cánh quạt.

Seaborg Technologies: Seaborg có khoảng 100 nhân viên từ các kỹ sư hạt nhân đến các nhân viên phát triển kinh doanh. Công ty sở hữu và vận hành một vài phòng thí nghiệm, và đang trong quá trình xin cấp phép các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết "Loạt tập đoàn, quỹ đầu tư Đan Mạch quan tâm thị trường điện gió Việt Nam" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#