Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 với khoản lợi nhuận tăng trong quý gần nhất nhưng đi ngang trong kỳ 9 tháng.
Cụ thể, sau quý II sụt giảm mạnh ở mảng tín dụng, thu nhập lãi thuần quý III của nhà băng này đã tăng trưởng trở lại với 9.144 tỷ đồng, cao hơn 4% so với cùng kỳ năm trước.
Các mảng kinh doanh ngoài tín dụng của BIDV cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh hơn cùng kỳ và 2 quý liền trước. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 30% (đạt 1.368 tỷ); lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 28% (438 tỷ); hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ lỗ 2 tỷ sang lãi 340 tỷ đồng…
Kết quả nói trên giúp tổng thu nhập hoạt động của BIDV trong quý III tăng 7% so với cùng kỳ, đạt gần 12.400 tỷ đồng.
Nhờ việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tương đương cùng kỳ mà lợi nhuận trước thuế của BIDV ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số dù chi phí hoạt động tăng. Cụ thể, ngân hàng ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế đạt 2.703 tỷ đồng trong quý, tăng 17% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần tăng trở lại trong quý I và III không đủ bù đắp mức suy giảm mạnh của quý II. Tính chung 9 tháng, thu nhập lãi thuần của BIDV vẫn giảm hơn 4%. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngân hàng đi ngang bất chấp nhiều mảng kinh doanh ngoài tín dụng ghi nhận tăng trưởng mạnh.
Sau cùng, BIDV thu về 7.062 tỷ lợi nhuận trước thuế 9 tháng, không thay đổi nhiều so với số thu cùng kỳ.
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ MỘT SỐ NGÂN HÀNG | |||||||||
Nhãn | Vietcombank | Techcombank | VietinBank | VPBank | MBBank | BIDV | ACB | ||
9T2020 | column | tỷ đồng | 15965 | 10711 | 10364 | 9398 | 8134 | 7062 | 6411 |
9T2019 | column | 17613 | 8860 | 8456 | 7199 | 7616 | 7028 | 5561 |
Với mức lợi nhuận nói trên, BIDV đang xếp cuối trong nhóm ngân hàng quốc doanh đã công bố kết quả lợi nhuận 9 tháng, sau Vietcombank (15.965 tỷ) và VietinBank (10.364 tỷ).
Thậm chí, lợi nhuận 9 tháng của nhà băng này còn thấp hơn cả nhóm ngân hàng tư nhân như Techcombank (10.711 tỷ); VPBank (9.398 tỷ); và MBBank (8.134 tỷ).
Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của BIDV đạt gần 1,468 triệu tỷ đồng, giảm 1,5% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng giảm lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và khoản mục chứng khoán đầu tư.
Sau 9 tháng, cho vay khách hàng của BIDV mới tăng được 2,5% và huy động vốn từ tiền gửi của dân cư, tổ chức kinh tế tăng 2,8% so với đầu năm, thuộc hàng thấp nhất hệ thống. Đây là nguyên nhân chính khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng không cao nhưng phải giảm lãi suất với các khoản dư nợ hiện hữu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tương tự nhiều ngân hàng trong hệ thống, nợ xấu nội bảng BIDV cũng có xu hướng gai tăng trong 9 tháng qua. Tổng giá trị nợ xấu nội bảng của ngân hàng đến cuối tháng 9 là 22.526 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm và 64% trong đó là Nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng qua đó tăng từ 1,75% hồi đầu năm lên 1,97%.