Lợi nhuận Năm Bảy Bảy (NBB) tiếp tục “lao dốc”, dòng tiền âm kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2022

Sau khi công ty mẹ bán vốn tại CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB), Công ty liên tục báo cáo lợi nhuận "lao dốc" và dòng tiền âm kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trong quý II/2022, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 93,37 tỷ đồng, giảm 76,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 0,41 tỷ đồng, giảm 99,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 36,4% lên 51%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 66,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 94,6 tỷ đồng về 47,65 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 67,2%, tương ứng giảm 82,73 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 30,8%, tương ứng giảm 24,16 tỷ đồng về 54,34 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 59,9%, tương ứng giảm 12,82 tỷ đồng về 8,57 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 13,93 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 5,38 tỷ đồng, tức giảm 19,31 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

cong-ty-co-phan-dau-tu-nam-bay-bay-1659493038.jpg
CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã: NBB)

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), quý II, Công ty ghi nhận lỗ 15,26 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 42,36 tỷ đồng, tức giảm thêm 57,62 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Như vậy, lợi nhuận cốt lõi âm, hoạt động khác ghi nhận lỗ, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 40,32 tỷ đồng.

Riêng quý I/2022, NBB ghi nhận doanh thu đạt 75,79 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,54 tỷ đồng, lần lượt giảm 53,3% và 95,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 40,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 24,77 tỷ đồng về 37,04 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng thêm 27,43 tỷ đồng lên 27,69 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 418,3%, tương ứng tăng thêm 41,62 tỷ đồng lên 51,57 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 50%, tương ứng giảm 6,81 tỷ đồng về 6,82 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 169,16 tỷ đồng, giảm 69,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1,96 tỷ đồng, giảm 98,8% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Công ty dự kiến tổng doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 1,9% kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch năm.

Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 2/8 cổ phiếu NBB tạm dừng tại mức 18.400 đồng/cổ phiếu.

dien-bien-co-phieu-nbb-trong-3-thang-gan-day-1659493072.png
Diễn biến cổ phiếu NBB trong 3 tháng gần đây. Nguồn: CafeF

Dòng tiền âm kỷ lục từ khi niêm yết

Xét về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh chính âm 696,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 178,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.122,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.822,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và phục vụ mở rộng đầu tư.

Được biết, cổ phiếu NBB niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2009 tới nay. Trong đó, xét về dòng tiền từ khi niêm yết tới nay, chưa năm nào dòng tiền âm kỷ lục như 6 tháng đầu năm 2022, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2010 với giá trị âm 594,11 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tăng 44,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.964,9 tỷ đồng lên 6.338,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu dài hạn đạt 1.608,2 tỷ đồng, chiếm 25,4% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.586,7 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.428,2 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.202 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 83% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 647,8 tỷ đồng lên 1.428,2 tỷ đồng; tồn kho tăng 29,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 270,7 tỷ đồng lên 1.202 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng mạnh tồn kho và các khoản phải thu, điều này đã góp phần dẫn tới dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 157,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.872,8 tỷ đồng lên 3.059,9 tỷ đồng và chiếm 48,3% tổng nguồn vốn.

Như vậy, Công ty đã tăng vay nợ trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền này chủ yếu chảy vào tồn kho và các khoản phải thu.

CII liên tục đẩy mạnh thoái vốn tại Năm Bảy Bảy

Mới đây, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) đã đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu NBB theo hình thức thỏa thuận với mục đích cân đối tài chính. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 07/07 đến ngày 05/08/2022.

Trước đó trong thời gian 06/06 - 04/07, CII chỉ bán thành công 1,5 triệu cổ phiếu NBB trên tổng số 10 triệu cổ phiếu đã đăng ký theo hình thức thỏa thuận do chưa đạt được giá bán kỳ vọng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của CII tại NBB giảm từ 49% (tương ứng 49,08 triệu cổ phiếu) còn 47,51%.

Trong một diễn biến khác, NBB vừa mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu để giảm xuống từ 350 tỷ đồng về còn 300 tỷ đồng trong đợt phát hành tháng 6/2021, thời gian mua lại từ 9/5 đến 12/5.

Được biết, đây là trái phiếu phát hành ngày 11/6/2021, đáo hạn ngày 11/6/2024 và mã trái phiếu là NBBH2124001. Như vậy, NBB đã thực hiện mua lại một phần trái phiếu phát hành sau gần 1 năm.

Trong quá khứ, NBB cũng từng phải lại 50 tỷ trái phiếu trước hạn sau 3 tháng phát hành. Cụ thể, ngày 20/9/2021, NBB mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu sau hơn 3 tháng phát hành cho HDBank. Đây là một phần trong lô trái phiếu 490 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn ngày 11/6/2024.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có lãi suất cố định 11% trong năm đầu tiên, các kỳ trả lãi tiếp theo là định kỳ 6 tháng/lần với lãi suất tối thiểu 11%/năm.

Trái phiếu được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản, quyền tài sản tại dự án Khu Dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi; quyền phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư giữa NBB và Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm; các cổ phiếu do công ty CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (HoSE: CII) sở hữu; và các tài sản khác.