Lợi nhuận tụt dốc, nợ xấu tăng vọt, Ngân hàng Phương Đông (OCB) còn vay hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm

31/10/2022 12:02

Tính đến cuối quý 3, nợ xấu của OCB đã tăng hơn gấp đôi đầu năm lên 2.800 tỷ đồng trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng đến gần 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,3% hồi đầu năm lên 2,5% tại thời điểm 30/9.

ngan-hang-ocb-1667185877.jpg
 

Nợ xấu tăng vọt

Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với thu nhập lãi thuần tăng 29% so với cùng kỳ, đạt 1.749 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối đều tăng đột biến so với cùng kỳ tuy nhiên nhà băng này lại ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư.

Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 29% lên hơn 803 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 34% so với cùng kỳ lên 358 tỷ đồng. Kết quả, OCB lãi trước thuế 909 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt gần 2.649 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 23% so với cùng kỳ, đạt gần 5.121 tỷ đồng, nhờ nhu cầu tín dụng tăng. Lãi từ dịch vụ đạt hơn 626 tỷ đồng, tăng 34%; hoạt động kinh doanh ngoại hối thu về khoản lãi tăng 22%, đạt gần 66 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng thu được khoản lãi gần 328 tỷ đồng, tăng 32% do thu được các khoản nợ xử lý.

Ngược lại, lãi thuần từ mua bán chứng khoán giảm mạnh do hoạt động kinh doanh chứng khoán bị ảnh hưởng bởi điều kiện thị trường diễn biến bất lợi từ tác động chính sách thế giới và tình hình vĩ mô thay đổi.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 39%, trích gần 920 tỷ đồng do ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng và ghi nhận số liệu phân nhóm nợ theo CIC và báo cáo tài chính theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/07/2021 và Văn bản 2156/NHNN-TTGSNH ngày 12/04/2022 của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của OCB đạt 193.150 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng cũng tăng 11,3% so với đầu năm lên mức 113.587 tỷ đồng. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của nhà băng này lại đi xuống rõ rệt khi nợ xấu đã tăng hơn gấp đôi từ mức 1.350 tỷ đồng đầu năm lên 2.800 tỷ đồng vào cuối quý 3. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng đến gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,3% hồi đầu năm lên 2,5% tại thời điểm 30/9.

Nợ vay trái phiếu tăng mạnh

Đáng chú ý, tính đến cuối quý 3, OCB có dư nợ vay trái phiếu lên đến hơn 25.300 tỷ đồng, tăng hơn 6.400 tỷ đồng so với đầu năm. Nhà băng này là một trong những cai tên tích cực huy động trái phiếu nhất trong nhóm ngân hàng.

Chỉ riêng trong tháng 9/2022, OCB đã huy động thành công 1.800 tỷ đồng trái phiếu qua 3 đợt phát hành. Con số này trong tháng 8 thậm chí còn lên đến 3.800 tỷ đồng với 5 lô trái phiếu được phát hành. Trước đó, trong 7 tháng đầu năm, nhà băng này đã huy động thành công 6.700 tỷ đồng qua 9 đợt phát hành trái phiếu. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, OCB đã huy động tổng cộng 12.300 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu.

trai-phieu-ngan-hang-ocb-1667185968.png
 

Chiều ngược lại, OCB cũng đã mua lại nhiều lô trái phiếu trước hạn từ đầu năm. Mới nhất vào ngày 28/9, ngân hàng này đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn phát hành ngày 28/9/2021 mã OCBL2124008 có kỳ hạn 3 năm. Trước đó 1 ngày, OCB cũng đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu riêng lẻ mã OCBL2124007 tăng vốn có kỳ hạn 3 năm, phát hành vào ngày 27/9/2021 và ngày đáo hạn 27/9/2024.

Trong tháng 6/2022, nhà băng này đã mua lại toàn bộ trước hạn 2 lô trái phiếu tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Cụ thể vào ngày 1/6, OCB đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn có mã OCB.BOND02.2020 có kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 1/6/2020. Đến ngày 2/6, OCB lại mua tiếp toàn bộ 1.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn có mã OCBL2124002, phát hành ngày 2/6/2021.

Trước đó hồi tháng 5/2022, ngân hàng này cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng lô trái phiếu mã OCB.BOND01.2020 kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 12/5/2020. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, OCB đã mua lại tổng cộng 4.700 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc 5 lô trái phiếu phát hành năm 2020 và 2021.

Ngân hàng TMCP Phương Đông thành lập từ ngày 10/06/1996. Với hơn 26 năm hoạt động và phát triển, OCB hiện có hơn 200 đơn vị kinh doanh trải dài tại khắp các tỉnh, thành, trung tâm kinh tế trọng điểm trên cả nước.

Hiện nay, Chủ tịch OCB là ông Trịnh Văn Tuấn (sinh năm 1965). Ông gia nhập OCB từ tháng 08/2010 đến nay, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2011 - 2015; Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tiếp tục là Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bạn đang đọc bài viết "Lợi nhuận tụt dốc, nợ xấu tăng vọt, Ngân hàng Phương Đông (OCB) còn vay hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#