LUNA mất 96% giá trị, thị trường tiền mã hóa dậy sóng

Đồng LUNA của dự án Terra giảm 96% giá trị trong hơn một tháng, stablecoin thuật toán UST vẫn chưa thể lấy lại mốc 1 USD.

Những ngày qua, stablecoin UST và token quản trị LUNA của Terra chịu áp lực bán tháo lớn, khiến giá sụt giảm nghiêm trọng. Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, LUNA hiện được giao dịch quanh mốc 5 USD, giảm hơn 85% so với 72 giờ trước đó. Đồng thời, tính từ đỉnh gần 120 USD xác lập vào 5/4, đồng tiền số này đã giảm hơn 96% giá trị.

36 tỷ USD vốn hóa 'bốc hơi' trong vài ngày

Có thời điểm LUNA vươn lên vị trí cao trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Hiện tại, token quản trị dự án Terra đã bị đánh bật khỏi top 30. Giá trị vốn hóa của LUNA còn khoảng hơn 2,7 tỷ USD. Nếu so với mức đỉnh đỉnh, hơn 36 tỷ USD vốn hóa của dự án đã bốc hơi chỉ trong vài ngày.

Giá LUNA trên đà giảm sâu, mất hơn 90% giá trị. Ảnh: Coinmarketcap.

Sự “sụp đổ” của Terra bắt nguồn từ việc đồng stablecoin thuật toán UST của hệ sinh thái bị mất mốc giá trị 1 USD trong thời gian dài. Sự việc bắt đầu từ 7/5, đến hiện tại vẫn chưa được giải quyết. Sau cú giảm mạnh về 0,64 USD/UST sáng 10/5, đồng stablecoin của Terra tưởng chừng đã ổn định ở 0,9 USD. Tuy nhiên, việc LUNA sập về dưới 15 USD kéo theo UST rớt giá.

Mối quan hệ cung/cầu giữa LUNA và UST là nguyên tắc cơ bản để ổn định giá UST ở 1 USD. Đồng thời, vì tương quan mật thiết, nên mỗi biến động về giá của một trong hai đồng tiền số đều gây ảnh hưởng đến phần còn lại của hệ thống.

Giao thức tiền gửi Anchor của Terra với mức lãi suất 20%/năm là động lực chính khiến dòng tiền đổ vào dự án thời gian qua, nâng giá LUNA lên mức kỷ lục. Tuy nhiên, hiện tại lượng tiền gửi trên nền tảng chỉ còn khoảng 4,6 tỷ USD, giảm hơn 65% so mốc 14 tỷ USD của vài ngày trước.

Hệ quả của mô hình đa cấp

Trao đổi với Zing, ông Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên tài chính cao cấp, người sáng lập Trung tâm công nghệ tài chính và mã hóa Đại học RMIT cho rằng mô hình stablecoin thuật toán bảo chứng bởi tiền số không phải một ý tưởng hay.

“Sự biến động giá quá lớn và khả năng thao túng thị trường của cá voi sẽ ảnh hưởng đến đồng stablecoin đó. Đặc biệt, khi thị trường có sự biến động mạnh, thường bắt nguồn từ Bitcoin, giá trị tài sản bảo chứng cho các stablecoin sẽ giảm rất nhanh và dẫn đến việc stablecoin trở nên ‘unstable’”, ông Huy nói.

Lượng tiền gửi trên Anchor lớn, nhưng được cho vay rất ít. Số tiền lãi trả cho người dùng đến từ túi dự án, không bền vững

Thuật Nguyễn, CEO Kyros Ventures

Trong khi đó, ông Thuật Nguyễn, CEO Kyros Ventures nhận định việc trả lãi đến 20% trên giao thức Anchor khiến mô hình Terra có dấu hiệu của ponzi. “Lượng tiền gửi trên Anchor lớn, nhưng được cho vay rất ít. Số tiền lãi trả cho người dùng đến từ túi dự án, không bền vững”, ông Thuật nói.

Trước đó, Terra từng là hệ sinh thái có lượng tài sản khóa (TVL- Total Value Lock) cao thứ hai với giá trị khoảng 32 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại số tài sản khóa trên Terra chỉ còn khoảng 6 tỷ USD, giảm khoảng 80%.

Do Kwon, đồng sáng lập dự án Terra, là nhân vật nổi tiếng trong giới crypto và cũng là "cá voi" Bitcoin lớn thứ 2 của thị trường tiền mã hóa. Ảnh: Bloomberg.

Việc TerraUSD mất mốc giá 1 USD gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn dự án. Do đó, ngay sau khi đồng stablecoin giảm, hàng trăm triệu USD tiền số được bơm vào thị trường nhằm giảm cung UST, chống đỡ áp lực. Tuy nhiên, trước lực bán quá mạnh, lượng tài sản bơm vào không thể hỗ trợ đủ.

Quỹ cứu trợ Luna Foundation Guard thông báo rằng họ sẽ cho vay 1,5 tỷ USD tiền số, trong đó có 750 triệu Bitcoin để cân bằng giá UST. Trong ngày 10/5, hơn 1,3 tỷ USD BTC trong ví được xác nhận của Luna Foundation Guard đã được chuyển đi, đẩy lên các sàn. Việc quỹ cứu trợ Luna bán Bitcoin bị nghi ngờ là nguyên nhân chính khiến Bitcoin giảm mạnh, mất mốc hỗ trợ 30.000 USD vào hôm qua.

Đây là những chuỗi ngày điên rồ nhất của thị trường tiền số. Tác động của vụ việc này là rất lớn

@Route2FI, nhà phân tích tại Alongside

Trên Twitter, Do Kwon, đồng sáng lập dự án Terra cùng đồng minh liên tục trấn an cộng đồng bằng lời hứa bơm thêm tiền để cứu Terra và sớm đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, thị trường vẫn phản ứng tiêu cực, liên tục bán tháo và đẩy giá LUNA xuống thấp.

"Đây là những chuỗi ngày điên rồ nhất của thị trường tiền số. Tác động của vụ việc này là rất lớn. Các ứng dụng được xây dựng trên Anchor, Terra, Cosmos đều đang đi xuống. Nhà đầu tư dần mất niềm tin vào DeFi nói chung và thị trường tiền số nói riêng", nhà phân tích tại Alongside, @Route2FI nhận định.

Trước những diễn biến tiêu cực từ Terra, thị trường tiền số đang chìm trong sắc đỏ. Bitcoin hiện được giao dịch ở mức 30.400 USD, giảm 4,2 % so với 24 giờ trước đó. Tương tự, ETH giảm còn 2.290 USD, mất 4% giá trị. 10/10 đồng tiền số lớn nhất thế giới (không tính stablecoin) đều giảm. Dữ liệu từ Alternative cho thấy chỉ số cảm xúc của toàn thị trường tiền mã hóa đang ở mức rất thấp, 12 điểm, trong vùng sợ hãi tột độ.

Mọi người sẽ nhìn vào Terra và nghĩ rằng tiền mã hóa thật tệ. Những lời ca tụng về tính sáng tạo của blockchain đều trở nên vô nghĩa

Athur Breitman, người sáng lập dự án Tezos

Trước cú sập, Terra là nền tảng tài chính phi tập trung lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ethereum. Hiện tại, hệ sinh thái này đã rơi xuống vị trí thứ 4, theo dữ liệu của Defi Llama. Đồng thời, các mô hình tài chính phi tập trung khác cũng bị ảnh hưởng bởi cú sập của LUNA. Giá SOL, ADA, NEAR, AVAX giảm 10-20% trong 24 giờ qua.

Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.