Trong suốt quý III/2022, toàn văn phòng môi giới của anh Nguyễn Quang, cả thảy gần 20 nhân viên, chỉ bán được 3 căn căn hộ và 1 căn liền kề. Quý cuối năm, anh Quang quyết định cắt giảm 50% nhân viên, đa phần trong số đó tự nguyện nghỉ vì đã 6-7 tháng chưa chốt được hợp đồng nào.
Khó khăn được báo trước
“Chúng tôi có chính sách hỗ trợ nhân viên 70% chi phí chạy quảng cáo, 2 triệu/tháng cho xăng xe và điện thoại. Tuy nhiên, trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”, sắp tới tiền hỗ trợ quảng cáo có thể giữ, nhưng xăng xe và điện thoại sẽ bị cắt nếu không có đơn hàng”, anh Quang nói.
Những khó khăn trên, theo anh Quang, là sự “đau đớn cùng cực” nhưng thực tế là điều đã được dự báo trước. Tình trạng của môi giới bất động sản tại Việt Nam hiện tại đang có rất nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc hơn 2 năm trở về trước khi cuộc khủng hoảng thừa ở quốc gia này bùng lên. Chính vì lường trước khó khăn nên anh Quang tự tin sau “kỳ nghỉ đông”, công ty sẽ trở lại mạnh mẽ.
“Một người bạn của tôi tên Chao ở Thượng Hải kể, nếu trong năm 2020, khi giá nhà ở Trung Quốc lên cao kỷ lục, có tháng ký được gần 30 hợp đồng, thì bước sang năm 2021, khi các quy định bị siết chặt, anh ấy trải qua gần 8 tháng không có doanh thu”, anh Quang chia sẻ.
Đặc biệt, thời điểm đó, Trung Quốc còn triển khai những “quả đấm thép” hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn vai trò của môi giới. Điển hình như năm 2021, khi bong bóng bất động sản vỡ, nước này đã đẩy mạnh hỗ trợ các nền tảng mua bán trực tuyến, không qua đại lý môi giới. Khó khăn thế nhưng kết quả cuối cùng là môi giới vẫn “sống sót”.
Còn ở Việt Nam, trước đây cũng đã có những hành động nhằm giảm bàn tay “thao túng” của môi giới. Đơn cử như trong năm 2020, một doanh nghiệp địa ốc lớn đã phát triển một ứng dụng nhằm kết nối trực tiếp người bán và người mua mà không cần trung gian.
Ứng dụng này không chỉ cho phép mua bán những căn nhà có giá trị 10 – 20 tỷ đồng, mà còn mua bán cả “hệ sinh thái” từ địa ốc đến xe hơi, điện thoại, đồ gia dụng. Tuy nhiên, đến năm 2021, vì không hiệu quả, doanh nghiệp buộc phải quay về sử dụng môi giới để có thể bán được hàng.
Cách nào để "sống sót"?
Những diễn biến đã qua cho thấy việc “xóa sổ” môi giới là điều không thể. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, giống như tình trạng "lướt sóng", môi giới chỉ tạm lắng chứ không thể hoàn toàn biến mất. Và tới một thời điểm thích hợp, nghề này sẽ bùng nổ trở lại theo "sóng" thị trường.
Ông Vũ Bá Thức, Giám đốc kinh doanh của SGO Property, khẳng định việc thị trường địa ốc lắng xuống vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để thanh lọc đội ngũ môi giới. Khó khăn sẽ loại bỏ những người “ăn theo” và để lại những người có năng lực thực sự.
Dù được dự báo sẽ không thể “chết” nhưng những khó khăn hiện tại đòi hỏi các công ty môi giới và giới “cò” nhà đất cần có chiến lược để vượt qua “kỳ nghỉ đông” dài một cách an toàn.
Một trong những giải pháp được nhiều môi giới đưa ra khi không thể bán nhà đất là chuyển hướng sang tư vấn dịch vụ cho thuê. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu thuê nhà, mặt bằng kinh doanh, phòng trọ đang phục hồi tốt, bên cạnh đó, giá cho thuê cũng tăng theo.
Về phương hướng chung cho toàn ngành, theo ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), các doanh nghiệp môi giới cần đẩy mạnh sàng lọc, tinh giản hệ thống nhân sự, phát triển theo chiều sâu thay vì quy mô.
“Các công ty cần nhân cơ hội này để nâng cao kiến thức, kỹ năng, chất lượng dịch vụ cho nhân viên. Từng bước ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp tuyển mộ nhân tài”, ông Khôi nhấn mạnh.
Với môi giới, đại diện FERI cho rằng các cá nhân cần tranh thủ thời gian rảnh trong “kỳ nghỉ đông” để học hỏi, kiên định trong định hướng nghề nghiệp, sẵn sàng bứt tốc khi thị trường hồi phục. Tuyệt đối không vì “bí quá làm liều”, lừa dối khách hàng làm giảm chữ tín.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng thay đổi là cần thiết, tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên sa thải ồ ạt nhân viên vì khi thị trường hồi phục, việc xây dựng và vận hành lại bộ máy sẽ rất khó khăn.
Qua giai đoạn khó khăn này, những môi giới “sống sót” được sẽ là những người chiến thắng. Đồng thời, thị trường sẽ chọn lọc được những doanh nghiệp đầu tư và đơn vị môi giới có cơ chế vận hành hiệu quả, tiềm lực tài chính mạnh và khả năng thích ứng nhanh, qua đó phát triển bền vững hơn.