Một công ty bất động sản 'bốc hơi' hơn 99% lợi nhuận

Sau 3 quý, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) chỉ đạt 2,09 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 99,4% so với cùng kỳ, với dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục từ trước đến nay.

Báo cáo tài chính quý III của Đầu tư Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 121 tỷ đồng, gấp 20 lần cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cũng đạt 56,6%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 300 triệu đồng, giảm đến 99,8%.

Giải trình về điều này, doanh nghiệp thừa nhận thu nhập từ hoạt động tài chính giảm mạnh 86% do quý III/2021 được ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng quyền tham gia đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính trong kỳ tăng hơn 150% lên đến hơn 86,1 tỷ đồng, do doanh nghiệp đẩy mạnh huy động vốn. Chi phí khác cũng phát sinh tăng thêm 13,6 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty bất động sản này ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 290 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 2,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 48% và 99,4% so với năm ngoái. Với mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay là 102 tỷ đồng, sau 3 quý doanh nghiệp chỉ thực hiện được 2% kế hoạch.

ket-qua-kinh-doanh-nhung-nam-gan-day-cua-cong-ty-nam-bay-bay-1666751963.jpg
 

Trong khi đó, dòng tiền kinh doanh chính đang âm gần 863 tỷ đồng. Đây là mức âm kỷ lục của Đầu tư Năm Bảy Bảy từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Nếu không có sự cải thiện trong quý IV, doanh nghiệp sẽ ghi nhận dòng tiền âm 2 năm liên tiếp, sau năm 2021 âm hơn 103 tỷ đồng.

Thâm hụt dòng tiền có thể đến từ việc tồn kho tăng 341 tỷ đồng sau 3 quý, tính đến thời điểm 30/9 đạt hơn 1.272 tỷ đồng. Song song đó, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn lần lượt tăng 83% và 162%, lần lượt đạt gần 1.430 tỷ đồng và 1.587 tỷ đồng. Tính đến hết quý III, tổng tài sản của Đầu tư Năm Bảy Bảy đạt gần 6.389 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm.

Cùng lúc này, dòng tiền đầu tư cũng âm hơn 1.083 tỷ đồng. Để bù đắp thâm hụt, doanh nghiệp tăng dòng tiền tài chính lên mức 1.934 tỷ đồng, chủ yếu thông qua vay nợ.

Tổng nợ phải trả tăng gần 80% so với đầu năm, ở mức 4.569 tỷ đồng vào cuối quý III, phần lớn do gia tăng các khoản nợ vay tài chính dài hạn trong đó có các khoản vay từ CII và công ty con của CII để bổ sung vốn lưu động.