Chiều 8/3, Hiệp hội điều Việt Nam có công văn hỏa tốc số 19/2022/TM-HHĐ gửi Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italia cùng các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước liên quan đến rủi ro 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia, trị giá gần 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), thời gian qua, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều Việt Nam ký hợp đồng với một số khách hàng nhập khẩu điều Italia thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt.
Toàn bộ lô hàng trên được đóng vào 100 container, điểm đến là Cảng Genoa, Cảng LA Spezia do các hãng tàu quốc tế là Cosco, YANGMING, HMM, ONE vận chuyển.
Thông tin đầu tiên tạm thời được ghi nhận như sau: quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ 5 ngân hàng Việt Nam gồm VietinBank, MB, Eximbank, HDBank... tới đầu mối ngân hàng bên mua tại Italia thì được hướng dẫn đến một đầu mối ngân hàng khác tại Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, đã có sự thay đổi về số SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu).
Tuy nhiên, sau khi ngân hàng bên mua nhận được bộ chứng từ, họ đã thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ trên nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào; đồng thời, cũng không cung cấp số vận đơn, không trả lời cho 5 ngân hàng Việt Nam, mặc dù các ngân hàng Việt Nam liên hệ rất nhiều lần.
Phía các ngân hàng bên Việt Nam đã liên hệ với đầu mối ngân hàng bên mua tại Italia thì được thông báo rằng, họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy, không phải bản gốc.
Vấn đề rủi ro ở đây là nếu ai cầm trong tay bộ chứng từ gốc, chỉ cần đến cảng gặp hãng vận chuyển là nhận hàng.
Hiện tại, các doanh nghiệp và ngân hàng như ngồi trên lửa vì vẫn chưa xác định được chính xác bộ chứng từ gốc hiện đang ở đâu. Trong khi đó, tình hình đang rất cấp bách, một số lô hàng đã cập cảng, một số lô khác sắp đến.
“Chúng tôi đang đề nghị Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italia làm việc với các cơ quan có thẩm quyền tại Italia, đề nghị các hãng tàu trên áp dụng biện pháp “khẩn cấp”, tạm thời giữ các lô hàng tại cảng và lô hàng sắp đến; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả khi trình vận đơn gốc. Chỉ cho phép giải phóng hàng khi nhận được xác nhận từ các chủ hàng; mọi thông tin hãng tàu nhận được từ phía người nhận hàng phải thông báo ngay cho chủ hàng”, ông Phạm Văn Công, chủ tịch Vinacas nói với phóng viên VnEconomy.
Tại buổi họp chiều 8/3, các thành viên đều nhận định nhiều khả năng đây là một vụ lừa đảo.
Theo ông Phạm Văn Công, các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng cho người Italia thông qua công ty môi giới là Kim Hạnh Việt. Quá trình mua bán diễn ra như sau: doanh nghiệp gửi bộ hồ sơ gốc có xác nhận ngân hàng Việt Nam để chuyển đến ngân hàng đại lý nhờ thu tiền. Tuy nhiên, bên ngân hàng Italia lại không xác nhận như hồ sơ hợp đồng ban đầu mà lại chuyển toàn bộ hồ sơ đó sang một ngân hàng khác ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng lưu ý, đại diện của công ty môi giới Kim Hạnh Việt cũng chưa biết đang ở đâu.
Hiện tại, các ngân hàng này chỉ “túm” được ngân hàng đại lý bên Italia nhưng hỏi chỉ trả lời loanh quanh, trong khi hàng đã và sắp đến cảng; còn bộ hồ sơ gốc không biết đang ở đâu.
Cũng theo ông Công, vào ngày mai (9/3), Vinacas sẽ mời tất cả các ngân hàng liên quan, hãng vận chuyển và đại diện cơ quan quản lý vận tải quốc tế họp để tìm cách giải quyết.