Nền không giao, tiền không trả
Theo đơn kêu cứu của ông V.V.T (trú tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) gửi báo Tuổi trẻ Thủ đô, ngày 26/11/2018, ông T có kí hợp đồng nhận chuyển nhượng đất tại dự án Khu dân cư (KDC) Tấn Phát (địa chỉ tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) do Công ty TNHH TM DV Xây dựng Địa ốc Tấn Phát (gọi tắt là Công ty Tấn Phát) làm chủ đầu tư. Hợp đồng do bà Trần Thị Xuân Đào, Giám đốc Công ty Tấn Phát ký.
Thực hiện hợp đồng, ông T đã thanh toán 50% giá trị nền đất cho công ty, tương đương 733.040.000 đồng trên tổng giá trị hợp đồng là 1.466.080.000 đồng.
Theo dự kiến và cam kết của chủ đầu tư thì nền được bàn giao vào ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, sau đó dự án đã không thể triển khai như cam kết. Do đó, ngày 13/1/2020, Công ty Tấn Phát đã ký cam kết trả lợi nhuận cho ông T số tiền là 146.608.000 đồng với lý do chậm trễ giao nền.
Sau một thời gian dài chờ đợi, dự án KDC Tấn Phát vẫn "dậm chân tại chỗ" nên ngày 7/1/2021, ông T đã ký biên bản thanh lý hợp đồng với Công ty Tấn Phát. Theo đó, Công ty Tấn Phát phải hoàn trả tiền cho ông T làm 2 đợt vào các ngày 30/1/2021 và ngày 15/3/2021, tương ứng với số tiền lần lượt là 400.000.000 đồng và 573.394.858 đồng. Ngoài ra, nếu quá thời hạn hoàn trả, công ty còn phải chịu lãi phạt theo lãi suất 0.05%/ngày.
Biên bản này do ông Trần Tuấn Anh, chức vụ Giám đốc ký.
Tuy nhiên, lại một lần nữa, Công ty Tấn Phát "thất hứa" khi không trả bất cứ khoản nào cho ông T. Thay vào đó, ngày 20/4/2021, Công ty Tấn Phát làm thêm một biên bản gia hạn để kéo dài thời gian trả tiền.
Tính tới thời điểm hiện tại, ông T vẫn chưa nhận được bất cứ khoản tiền nào từ Công ty Tấn Phát.
Cũng liên quan dự án này, trước đó vào năm 2019, báo Tuổi trẻ Thủ đô từng có bài phản ánh về việc vào thời điểm mở bán, dự án KDC Tấn Phát chưa đủ điều kiện mở bán; Chưa hoàn tất việc đền bù về đất cho các hộ dân liên quan; Chưa được cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện trạng khu đất ngổn ngang…
Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên đã liên hệ ông Trần Tuấn Anh qua điện thoại nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Đồng thời, phóng viên cũng đã liên hệ với bà Trần Thị Xuân Đào tuy nhiên bước đầu bà Đào mới chỉ "hứa hẹn" sẽ phản hồi, ngoài ra không đưa ra phương án cụ thể để giải quyết vụ việc.
Có dấu hiệu hình sự?
Luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng luật Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến về vụ việc trên như sau: Căn cứ khoản 1 Điều 194 Luật Đất đai, Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Khoản 17 Điều 1 Nghị định 148/2020 sửa đổi, bổ sung một số Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, quy định như sau:
“1. Điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm:
a) Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; Đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; Đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải;
b) Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án, gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);
c) Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền quy định tại khoản 2 Điều này;
d) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.
2. Chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; Khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; Mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị”.
Từ căn cứ nêu trên có thể được hiểu như sau, điều kiện pháp lý đủ để mở bán đất nền dự án là: Có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt và sau khi chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Theo luật sư Trương Hồng Điền, Công ty Tấn Phát đã biết dự án chưa đủ điều kiện mở bán đất nền nhưng vẫn tiến hành quảng bá, thực hiện ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhận tiền cọc của khách hàng. Đến nay, các khách hàng vẫn chưa được giải quyết quyền lợi đối với số tiền đã giao cho Công ty Tấn Phát.
"Hành vi của các cá nhân thuộc Công ty Tấn Phát có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền cần tiến hành thụ lý tố giác để giải quyết theo đúng thủ tục pháp luật nếu người dân có đơn tố giác", Luật sư Điền nhận định.
Ngoài trường hợp của ông T còn có bà M.T.V cũng mua một nền đất tại dự án Tấn Phát.
Theo đó, bà V và một người bạn cùng mua một nền, đã thanh toán cho Công ty Tấn Phát tổng số tiền 500.000.000 đồng. Tương tự ông T, bà V cũng liên tục bị Công ty Tấn Phát thất hứa và trì hoãn việc hoàn trả tiền.
Hiện tại, cả ông T và bà V đều đã gửi đơn tố cáo đến Công an huyện Nhà Bè và Công an TP Hồ Chí Minh để giải quyết theo quy định pháp luật. Theo đó, Công an huyện Nhà Bè đã liên hệ mời bà M.T.V cùng ông T đến trụ sở để làm việc liên quan nội dung tố cáo.