Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi một số dòng phụ của biến thể Omicron, bao gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3.
Cơ quan y tế toàn cầu xem xét dữ liệu trong thực nghiệm với chuột đồng để xem những nhánh virus thuộc Omicron có thể gây ra bệnh nặng hơn không.
Ảnh minh họa: Weillcornell
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của WHO, Maria Van Kerkhove, thông tin, Omicron vẫn là một biến thể đáng lo ngại. "Những dòng nổi bật nhất được phát hiện trên toàn thế giới là BA.1, BA.1.1 và BA.2. Ngoài ra còn có BA.3 và các dòng phụ khác", bà Van Kerkhove nói.
Một nghiên cứu có tiêu đề “Sự xuất hiện và tầm quan trọng của BA.3” được công bố trên tạp chí Y tế Virology vào tháng 1.
Biến thể BA.3 là gì?
Sau sự xuất hiện của Omicron vào tháng 11/2021 ở Botswana, WHO đã xếp đây là biến thể gây lo ngại. Omicron được ghi nhận là biến thể có nhiều đột biến nhất của SARS-CoV-2 cho đến nay. Tính tới tháng 1/2022, biến thể này đã xuất hiện ở trên 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Omicron có ba dòng BA.1, BA.2 và BA.3. Nghiên cứu chứng minh, hai dòng BA.1 và BA.2 có sự khác biệt ở protein gai (yếu tố giúp virus xâm nhập tế bào con người). Ở BA.3 có sự kết hợp giữa các đột biến ở protein gai của BA.1 và BA.2.
Thời điểm phát hiện BA.3
Cả ba dòng được phát hiện vào cùng thời điểm và cùng một châu lục: BA.1 (Botswana), BA.2 (Nam Phi) và BA.3 (Nam Phi). "Do đó, các virus phát triển đồng thời và có cơ hội phát triển trên toàn thế giới như nhau", nghiên cứu chỉ ra.
Mặc dù cả ba dòng đều lan ra toàn thế giới, nhưng tốc độ lây khác nhau. Nghiên cứu cho thấy: "Có một câu hỏi đặt ra, tại sao BA.1 lại chiếm ưu thế hơn nhiều so với các dòng khác. Điều này có thể do sự khác biệt về đột biến trong protein gai cần thiết để virus xâm nhập tế bào chủ".
BA.3 lây lan như thế nào?
Dòng BA.3 gây ra số ca nhiễm thấp nhất trong 3 dòng của Omicron. Có thể suy đoán BA.3 lan truyền với tốc độ rất thấp và gây ra ít ca bệnh hơn do mất 6 đột biến của BA.1 hoặc nhận 2 đột biến từ BA.2.