Muốn biết cách Omicron hoành hành? Hãy nhìn New York

Diễn biến dịch bệnh và những gì đang xảy ra ở thành phố New York của Mỹ chính là cảnh tượng trong tương lai mà nhiều nơi khác sẽ chứng kiến trước làn sóng biến chủng Omicron.

Nếu phần còn lại của nước Mỹ hay các quốc gia khác muốn biết biến chủng Omicron sẽ gây ra điều gì trong vài tháng tới, hãy nhìn thành phố New York, New York Times nhận xét. Biến chủng Omicron đang là nguyên nhân của 90% các ca mắc mới ở khu vực New York, dù là ở người đã tiêm hay chưa tiêm chủng.

Theo số liệu của cơ quan y tế thành phố, New York hiện đã đạt tỷ lệ 71,1% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Trung bình mỗi ngày New York có thêm 8.025 trường hợp, tăng 277% so với mức trung bình hai tuần trước đó.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 21/12 cho biết Omicron hiện là biến chủng phổ biến nhất tại nước này. Omicron hiện chiếm gần 3/4, tương đương 73%, trong tổng số các trường hợp Covid-19 được báo cáo vào tuần trước.

Con số mà CDC đưa ra cho thấy tỷ lệ lây nhiễm của Omicron tăng gần sáu lần chỉ trong một tuần.

Một ẩn số lớn hiện nay là liệu số ca nhiễm gia tăng kỷ lục có chuyển thành số ca nhập viện và tử vong kỷ lục không. Nếu như nhanh chóng điều chỉnh chiến lược y tế công cộng, Mỹ và nhiều quốc gia khác có thể tránh được cái giá đắt tiềm tàng này, theo New York Times.

Thách thức về vấn đề nhân sự

Tại thành phố New York, nhiều người nhận ra rằng phương pháp tốt nhất và duy nhất để đạt được độ phủ vaccine cao ở người trưởng thành - nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao nhất - là bắt buộc tiêm chủng tại nơi làm việc và áp dụng thẻ vaccine, đặc biệt ở các không gian kín có nguy cơ cao.

Thành phố New York vẫn đang ưu tiên sử dụng các chính sách liên quan tới vaccine. Trong khoảng thời gian diễn ra đợt bùng dịch mới, sau 2 năm đại dịch xuất hiện, người dân sẽ không còn chấp nhận yêu cầu ở nhà kéo dài trên toàn thành phố hay lệnh đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh.

Dù tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng cao là điều cần thiết, giới chức phải nhận ra rằng chỉ điều này là không đủ để bảo vệ các bệnh viện, viện dưỡng lão và trường học.

New York Times nhận định thách thức lớn nhất trong làn sóng dịch Covid-19 lần này ở Mỹ sẽ là vấn đề nhân sự. Thành phố New York hiện có nhiều nhà hàng, quán bar và văn phòng đóng cửa là do thiếu nhân viên để vận hành, chứ không phải là do quy định từ chính quyền.

Trên khắp cả nước, nhân viên y tế và giáo viên đang kiệt sức và mất tinh thần. Nhiều bệnh viện, viện dưỡng lão và trường học đã thiếu nhân viên ngay cả trước khi Omicron xuất hiện.

Vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu số lượng nhân viên y tế và giáo viên đã tiêm phòng mắc bệnh, khiến cho đồng nghiệp của họ cũng ở nhà để tránh lây nhiễm. Tại bệnh viện và viện dưỡng lão, tình trạng thiếu nhân sự khiến chất lượng chăm sóc bệnh nhân giảm sút, làm tăng tỷ lệ người qua đời vì Covid-19 hoặc các bệnh khác dù họ có cơ hội sống sót.

Không giống năm 2020, giới chức cũng cần phải công nhận rằng trường học cũng cần thiết như bệnh viện. Để trẻ em đến lớp đòi hỏi toàn bộ hệ thống của trường học phải nỗ lực gấp đôi trong vấn đề tiêm chủng (đặc biệt là với người lớn), khẩu trang, thông gió và xét nghiệm nhằm giữ cho học sinh và nhân viên khỏe mạnh.

Dòng người xếp hàng đợi xét nghiệm ở New York. Ảnh: New York Times.

Những lựa chọn hạn chế

Công chúng ngày càng không chấp nhận việc áp đặt các hạn chế phòng dịch gây gián đoạn cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như đóng cửa trường học và các lĩnh vực kinh doanh.

Với sự xuất hiện của một biến chủng mới có khả năng lây nhiễm cao, cùng với tâm lý trên của người dân, các nhà hoạch định chính sách chỉ còn lại một số ít lựa chọn. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có sự lựa chọn nào.

Tổng thống Joe Biden được kỳ vọng phải nêu rõ chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ các bang như thế nào trong việc giảm thiểu bệnh nặng và tử vong, đồng thời duy trì quyết tâm của công chúng tuân theo các biện pháp phòng dịch cơ bản.

Những mục tiêu này kết hợp với nhau sẽ tạo ra 2 viễn cảnh. Nếu chính quyền có thể hạn chế số ca bệnh nặng và tử vong, nhiều khả năng công chúng sẽ kiên nhẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế cơ bản. Tuy nhiên, nếu tăng cường hạn chế phòng dịch và kết thúc bằng việc làm cạn kiệt sức lực của cả đối tượng đã tiêm và chưa tiêm phòng, kế hoạch mới sẽ không hiệu quả.

Điều chỉnh các chính sách liên quan tới Covid-19 và tăng cường hỗ trợ bệnh viện, viện dưỡng lão và trường học có thể giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng và thúc đẩy sự chấp nhận của công chúng.

Thay đổi chính sách nên bắt đầu với việc CDC Mỹ xác định lại mọi người "được chủng ngừa đầy đủ" nếu họ đã tiêm những mũi đầu tiên và thêm liều tăng cường để tăng khả năng bảo vệ chống lại biến chủng Omicron.

Liều tăng cường là vũ khí quan trọng để chống lại Omicron. Ảnh: New York Times.

Theo New York Times, thông điệp cần phải rõ ràng: Với biến chủng Omicron, việc tiêm nhắc lại chỉ có thể trì hoãn chứ không phải ngăn ngừa nhiễm bệnh, nhưng vaccine sẽ bảo vệ khỏi bệnh nặng và giúp cộng đồng tránh khỏi viễn cảnh cạn kiệt giường bệnh.

Tất cả cơ quan y tế công cộng phải tập trung vào thông điệp rằng tiêm chủng là cách duy nhất để "cứu sống" và giữ cho hệ thống chăm sóc sức khỏe không quá tải.

Ở những nơi ra quy định bắt buộc tiêm vaccine cho tất cả nhân viên y tế, tình trạng thiếu nhân sự có thể trở nên trầm trọng trong thời gian ngắn, vì một số người sẽ chống đối chính sách. Tuy nhiên, quy định này lại ngăn chặn sự gián đoạn trong thời gian dài, bởi nó giảm phần nào số ca mắc và bảo vệ lực lượng y tế khỏi bệnh nặng.

Thời gian cách ly đối với những người được chủng ngừa có kết quả dương tính với Covid-19 và không có triệu chứng cần được rút ngắn từ 10 ngày - như khuyến cáo hiện nay tại Mỹ - xuống còn khoảng 5 ngày. Tiêm chủng làm giảm khả năng lây nhiễm, và những ca lây nhiễm đột phá có thể nhanh chóng trở lại cuộc sống hàng ngày.

Chính sách "xét nghiệm để tiếp tục" nên được áp dụng cho tất cả những người phát hiện người họ tiếp xúc gần có kết quả dương tính với Covid-19. Thay vì yêu cầu mọi người phải ở nhà và được theo dõi, các cơ quan y tế công cộng có thể cho phép họ trở lại trường học hoặc làm việc nếu họ không xuất hiện triệu chứng và có xét nghiệm âm tính vào ngày đầu và 7 ngày sau đó.

Chính sách này đang được nhiều trường học áp dụng. Tuy nhiên, ở những nơi phổ biến rộng rãi bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, nơi làm việc cũng nên sử dụng để giảm thiểu gián đoạn trong cuộc sống.

Cảnh sát New York đeo khẩu trang kín mít trước khu vực trang trí cho kỳ lễ hội tại Đại lộ số 6 ở quận Manhattan của thành phố New York hôm 19/12. Ảnh: Reuters.

Không chỉ có Mỹ, tác giả cho rằng các quốc gia khác cũng phải kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp ngay bây giờ, ngay cả trước khi số ca nhiễm biến chủng Omicron tăng đột biến. Điều này là nhằm đảm bảo các nước có đủ nhân sự, năng lực xét nghiệm, thiết bị bảo hộ, hệ thống thông gió và thông tin cho bệnh viện, viện dưỡng lão và trường học.

Với các cá nhân, việc tiêm liều tăng cường là điều quan trọng. Những cuộc tụ họp hay dành thời gian cho người thân lớn tuổi là cần thiết về mặt sức khỏe tâm thần, nhưng cần thận trọng trong cách tiếp cận.

Với biến chủng Omicron, New York Times cho rằng không nên chủ quan khi nghĩ nguy cơ lây nhiễm tại sự kiện trong nhà sẽ thấp khi toàn bộ người có mặt đã tiêm phòng. Mọi người có thể tự trang bị thêm các lớp phòng vệ, như xét nghiệm nhanh vài giờ trước khi tham gia sự kiện, đeo khẩu trang và đảm bảo thông gió.

Ngoài ra, việc chuẩn bị tâm thế đối mặt với gián đoạn lớn trong cuộc sống là điều quan trọng nhất bởi tình huống hiện tại không còn giống với năm 2020.

Nếu các cá nhân thực hiện phần việc của mình bằng cách tiêm phòng và suy xét trước khi tham gia sự kiện xã hội, trong khi chính phủ thực hiện phần việc của mình để bảo vệ trường học, bệnh viện và viện dưỡng lão, thì sẽ có thêm nhiều người được bảo vệ trước những gì mà Omicron có thể gây ra phía trước.