Tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 do NHNN tổ chức chiều 25/4, vấn đề lãi vay cao trở thành vấn đề "nóng" được Phó thống đốc Đào Minh Tú đưa ra.
Cụ thể, ông cho rằng dù đã liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều đơn vị đưa ra lãi suất cho vay rất cao. Theo đó, lãi suất cho vay đầu tháng 4 của nhiều nhà băng vẫn lên tới 13-14%/năm, cá biệt có ngân hàng đưa lãi suất cho vay bình quân lên tới 14,63%/năm.
"Thậm chí, đây mới chỉ là lãi suất cho vay bình quân, như vậy sẽ có những khoản vay phải chịu lãi suất cao hơn", Phó thống đốc nhấn mạnh. Ông yêu cầu lãnh đạo một loạt ngân hàng KienlongBank, VietABank, Nam A Bank...giải thích về việc đưa lãi suất cho vay cao.
Lãnh đạo Ngân hàng Việt Á (VietABank) cũng nói, họ có đặc thù riêng với phân khúc khách hàng cá nhân. Đại diện nhà băng nhìn nhận lãi suất cho vay có xu hướng giảm chậm hơn huy động. Tuy nhiên, đại diện VietABank khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ kéo lãi suất về mặt bằng chung toàn ngành.
Nam A Bank cũng là ngân hàng được ông Phó Thống đốc nhắc tên. "Tôi yêu cầu ngân hàng phải xem xét và báo cáo đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước về việc này". Ông Tú cũng đề nghị các ngân hàng thương mại, lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không để doanh nghiệp than phiền.
Theo Phó thống đốc, các ngân hàng có thẩm quyền quyết định lãi suất, cơ quan quản lý không thể can thiệp trừ khi vượt quy định. Tuy vậy, không có nghĩa một mình một chợ. Buôn có bạn bán có phườn. Nhất là khi ngân hàng là ngành hoạt động kinh doanh có điều kiện, không phải muốn cho vay, huy động tùy ý.
“Các ngân hàng tham gia phải chấp nhận mặt bằng lãi suất chung. Tất nhiên, tuy quy mô, năng lực tài chính lãi suấy có thể cao hơn nhưng không thể quá chênh lệch với mặt bằng lãi suất chung cho vay 9, 10%, vống lên 14%”, ông Tú cũng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo nhiều bộ, ngành, trong đó có sự tham gia của ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước, các ngân hàng với thị phần tín dụng chiếm tới 50% thị phần tín dụng đã đồng thuận với chủ trương Chính phủ trong giảm lãi suất cho vay.
Theo Phó thống đốc, trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp có lợi nhuận để trả lãi cao rất khó khăn. Các ngân hàng cũng cần tiết kiệm chi phí để giảm thêm nữa lãi suất cho vay, không đẩy lãi suất lên cao thêm. Trường hợp chấp nhận lãi cao theo ông cũng có thể là rủi ro cao đi cùng hoặc cũng rất có thể là nhắm mắt vay không cần biết sau này trả nợ như thế nào.