Thông báo của Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, sau quá trình làm việc giữa TVSI và Công ty Cổ phần Gotec Land ngày 3/11, doanh nghiệp này đã quyết định mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu GTLCH2125001 trị giá 600 tỷ đồng.
Thời gian mua lại dự kiến không muộn hơn ngày 30/6/2023. Đồng thời Gotec Land cam kết với người sở hữu trái phiếu về việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc và lãi trái phiếu như trong bản công bố thông tin kết quả phát hành.
Lô trái phiếu này được Gotec Land phát hành vào tháng 10/2021, có kỳ hạn 4 năm và đáo hạn vào tháng 10/2025. Lãi suất của lô trái phiếu cố định trong 12 tháng đầu tiên là 10,5%/năm.
Mục đích phát hành là để huy động vốn cho các dự án nhà ở tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dự chi tối đa 62 tỷ đồng nhằm mua lại trước hạn lô trái phiếu đã phát hành hồi cuối tháng 8/2020.
Tương tự, trong cùng ngày 3/11, TVSI đã làm việc với Công ty Nam Land về mã trái phiếu NALCH2124001 trị giá 900 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cam kết với người sở hữu trái phiếu về việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc và lãi trái phiếu như trong bản công bố thông tin kết quả phát hành.
Đồng thời Nam Land cũng quyết định mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu này trước ngày 30/6/2023.
Trái phiếu này được Nam Land phát hành vào tháng 7/2021 có kỳ hạn 3 năm và sẽ đáo hạn vào tháng 7/2024 với lãi suất năm đầu tiên là 10,3%/năm.
Bản công bố thông tin của đợt phát hành cho biết, một phần tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu sẽ được sử dụng tối đa 400 tỷ đồng để thanh toán nghĩa vụ tín dụng đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Phần còn lại được dùng để hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Gotec Việt Nam phát triển dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Quận 7, TP.HCM.
Làn sóng mua lại trái phiếu doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây sau sự kiện của Tân Hoàng Minh và An Đông. Theo Bộ Tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61.900 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó riêng quý II là hơn 40 nghìn tỷ đồng.
Trong quý III, trong nhóm các doanh nghiệp phi ngân hàng mua lại trái phiếu có nhiều giao dịch mua lại quy mô lớn như Công ty Đức Mai 286 tỷ đồng, Công ty BĐS Vinaconex 550 tỷ đồng, Công ty VinaPrint 200 tỷ đồng, Công ty Demoda 265 tỷ đồng, Công ty T&M Việt Nam 823 tỷ đồng, Becamex 600 tỷ đồng hay Công ty Golde Gate 493 tỷ đồng...
Đặc biệt một nhóm doanh nghiệp hoạt động tài chính, mua bán nợ đã chi hơn 10.000 tỷ đồng để mua lại các trái phiếu phát hành từ giai đoạn 2017 - 2018 có thời gian đáo hạn lên đến 10 năm.
Theo quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Điều này góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo tính trung thực của hồ sơ chào bán trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích, có trách nhiệm.