Nga tuyên bố không bán dầu cho các nước áp trần giá lên dầu Nga

Moscow nói rằng việc áp giá trần với dầu xuất khẩu của nước này sẽ gây ra sự bất ổn lớn với thị trường dầu toàn cầu...

putin-1662177376.jpg Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty Images

Điện Kremlin ngày 2/9 khẳng định Nga sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần đối với năng lượng Nga và nói rằng việc áp giá trần như vậy sẽ gây ra sự bất ổn lớn với thị trường dầu toàn cầu.

"Các công ty áp giá trần sẽ không được mua dầu của Nga”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói với truyền thông. “Đơn giản là chúng tôi sẽ không hợp tác với họ dựa trên những nguyên tắc phi thị trường”.

Bộ trưởng Tài chính 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 2/9 đã thống nhất quyết định áp giá trần đối với dầu Nga nhằm ngăn chặn nguồn thu của Moscow dành cho cuộc chiến tranh ở Ukraine, đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu mà tránh được giá dầu leo thang. Tuy nhiên, chi tiết về cơ chế này, bao gồm mức giá trần cụ thể, sẽ được quyết định sau "dựa trên một loạt yếu tố đầu vào kỹ thuật" được thống nhất bởi liên minh các nước tham gia.

"Ngày hôm nay, chúng tôi xác nhận ý định chính trị chung là hoàn tất và thực hiện một lệnh cấm toàn diện đối với các dịch vụ cho phép vận chuyển hàng hải đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga trên toàn cầu", các bộ trưởng tài chính G7 khẳng định tại cuộc họp trực tuyến ngày 2/9. 

Theo đó, dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga nếu muốn sử dụng các dịch vụ vận tải biển của các nước phương Tây, bao gồm bảo hiểm và tài chính, phải được bán bằng hoặc thấp hơn giá trần - mức giá được liên minh các nước tham gia cơ chế áp đặt. 

Ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, hoan nghênh động thái này của các nước G7 và dự báo phạm vi giá trần sẽ là khoảng 40-60 USD.

Các bộ trưởng tài chính G7 nhất trí sẽ cố gắng hoàn thiện chi tiết cơ chế trước ngày 5/12, thời điểm các lệnh trừng phạt - bao gồm cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển của Liên minh châu Âu (EU) - có hiệu lực.

g7-1662177480.jpg Lãnh đạo các nước G7 - Ảnh: Getty Images

Việc thực thi giá trần với dầu Nga sẽ chủ yếu dựa vào việc từ chối cung cấp bảo hiểm vận chuyển do Anh làm trung gian. Anh hiện chiếm khoảng 95% thị trường bảo hiểm cho các đội tàu chở dầu trên thế giới. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Nga có thể tìm nơi cung cấp bảo hiểm khác để lách giá trần.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 2/9 khẳng định bây giờ chính là thời điểm để EU cân nhắc áp đặt giá trần đối với khí đốt của Nga.

Còn ông Peskov nói rằng chính công dân châu Âu sẽ là những người phải trả giá cho những động thái trên của các nước phương Tây.

"Thị trường năng lượng đang ở giai đoạn căng thẳng. Điều này chủ yếu xảy ra ở châu Âu, nơi các biện pháp chống lại Nga đã dẫn đến việc châu Âu đang mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ với một số tiền lớn - một khoản tiền không chính đáng. Các công ty Mỹ đang giàu có hơn còn những người nộp thuế ở châu Âu ngày càng nghèo hơn”, ông Peskov nói.

Người phát ngôn điện Kremlin cho biết Nga đang nghiên cứu áp trần giá dầu trên của phương Tây có thể ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế nước này.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trước khi Nga “phát động chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi tháng 2, châu Âu là khách hàng chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu dầu thô và sản phẩm xăng dầu của Nga. Năm 2021, khối này nhập 2,2 triệu thùng/dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh luyện và 0,5 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày. Trong đó, Đức, Ba Lan và Hà Lan là các nước nhập khẩu lớn nhất.

Dù lượng dầu xuất khẩu của Nga tháng 6 sụt giảm, doanh thu từ hoạt động này vẫn tăng 700 triệu USD so với tháng 5 vì giá dầu tăng.