Ngân hàng “cầm trịch” phát hành trái phiếu?

Các ngân hàng tiếp tục “cầm trịch” ở vai nhà phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Tính đến ngày 10/06/2022, có 5 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong tháng 6 với tổng giá trị 4.460 tỷ đồng. Trong 5 đợt phát hành, 4 đợt đến từ nhóm ngân hàng thương mại với giá trị là 4.060 tỷ đồng.

tpdn1-1656136492.pngCơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2022.

NHTMCP Quân Đội (MB) phát hành nhiều nhất với 2.600 tỷ đồng qua 2 đợt, theo sau là VIB (1.000 tỷ đồng) và BIDV (460 tỷ đồng). Một đợt phát hành còn lại đến từ Công ty Tài Chính TNHH Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC với 400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm.

Trước đó, trong tháng 5, mặc dù có sự trở lại sau tháng “bặt tiếng” của khối bất động sản, nhưng ngân hàng vẫn là nhà phát hành lớn nhất, với 14.629 tỷ đồng, chiếm 60,68% tổng giá trị phát hành. Trong đó, OCB có giá trị phát hành lớn nhất với 2,600 tỷ đồng (chiếm 10,78% giá trị phát hành). Theo sau là MB với 2.500 tỷ đồng (chiếm 10,37% giá trị phát hành) và ACB với 2.000 tỷ đồng...

Theo SSI Research, việc các ngân hàng tận dụng kênh trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 là nhằm đáp ứng, thậm chí củng cố các chỉ tiêu vượt chuẩn Basel II. Đây là nguồn vốn có thể hỗ trợ nhà băng tự tạo dư địa tăng dư nợ tín dụng mới, hỗ trợ cho vay trung và dài hạn, đặc biệt quan trọng với các ngân hàng đã “cận room tín dụng” cho vay doanh nghiệp lớn.

“Nếu không xoay xở, khi hẹp room tín dụng, khó cho vay, chúng tôi sẽ càng sàng lọc kỹ doanh nghiệp và tất nhiên bên nào trả lãi vay cao hơn, sẽ được ưu tiên tiếp cận vốn hơn. Như vậy sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Để không đẩy đồng vốn cho vay đắt lên, chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh huy động vốn qua kênh số để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiết giảm các chi phí nhờ số hóa, cân đối với việc tăng chi phí huy động. Nhìn chung, nếu không được tăng trưởng tín dụng thêm, ngân hàng sẽ giảm lãi và người đi vay sẽ thiệt”, Tổng Giám đốc một ngân hàng chia sẻ. 

Cập nhật thêm đến 17/6, nhóm NHTM đã nâng tỷ lệ phát hành lên giá trị là 9. 290 tỷ đồng, trong đó, NHTMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam dẫn đầu phát hành nhiều nhất với 4.460 tỷ đồng, theo sau là NHTMCP Quân Đội (2.630 tỷ đồng) và NHTMCP Quốc Tế Việt Nam (1.000 tỷ đồng). Theo sau là nhóm doanh nghiệp tài chính với 1.100 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Như vậy, kể từ tháng 4 cho đến nay (sau đợt hủy phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh), ngân hàng liên tiếp giữ vị trí nhà phát hành lớn nhất trên thị trường. Việc phát hành trái phiếu tăng vốn tăng quy mô và bổ sung vốn cấp 2 được dự báo sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong 2022.