Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, có 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 3 tuần đầu tháng 12 với tổng giá trị 10.816 tỷ đồng. Ngân hàng và bất động sản (BĐS) vẫn là 2 nhóm ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất. Tuy nhiên trong đợt này, khối bank chiếm ưu thế hơn cả với 9.447 tỷ đồng trong khi BĐS chỉ là 819 tỷ đồng. Với con số này, ngân hàng chiếm 88% tổng giá trị phát hành, còn bất động sản chiếm 7% tổng giá trị phát hành.
Cùng với cuộc đua lãi suất gửi tiết kiệm, cuộc đua phát hành trái phiếu giữa các ngân hàng đang diễn ra sôi nổi. Ngay cả các bank quốc doanh cũng rất chú trọng tới kênh huy động vốn tiềm năng này.
Nhóm ngân hàng phát hành 88% trái phiếu trên thị trường trong tháng 12.
Trong tuần trước, Agribank công bố phát hành 2 triệu trái phiếu ra công chúng kỳ hạn 7 năm với tổng giá trị dự kiến 2.000 tỷ đồng. Đối với trái phiếu ra công chúng đợt này, khách hàng được hưởng mức lãi suất luôn cao hơn từ 1-1,2%/năm so với bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và được nhận lãi định kỳ 6 tháng/lần.
Theo thông tin được biết, trước Agribank, VietinBank cũng chào bán thành công 6.513 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Như vậy, tổng khối lượng trái phiếu thứ cấp do VietinBank phát hành trên thị trường trong năm 2021 đã lên hơn 14.000 tỷ đồng.
Riêng với khối bank vừa và nhỏ, mở rộng phát hành trái phiếu gắn liền với tăng lãi suất để thu hút nhà đầu tư. Như Vietcombank, với 3 đợt phát hành thì 2 đợt huy động 950 tỷ đồng và 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm; 5 năm đầu lãi suất 6,7%, 5 năm sau lãi suất 6,9%.
Với VietBank phát hành trái phiếu riêng lẻ giá trị 100 tỷ đồng, 5 năm đầu lãi suất theo lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng Big4 + 2,5%; 2 năm cuối lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng Big4 + 3,5%. Lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank hiện đang ở khoảng 5,5%. Như vậy, lãi suất của VietBank sẽ ở mức 8% vào 5 năm đầu và 9% cho 2 năm cuối.
LienVietPostBank cũng tương tự, chào bán 40 triệu trái phiếu ra công chúng để tăng vốn cấp 2 với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là 4.000 tỷ đồng. Hoạt động phát hành sẽ chia thành 2 đợt trong quý IV/2021 và trong quý I/2022, với 2 loại trái phiếu kỳ hạn 7 năm và kỳ hạn 10 năm. Lãi suất trong đợt 1 cho kỳ tính lãi đầu tiên (tính từ ngày 30/12/2021) là 7,425%/năm đối với kỳ hạn 7 năm và 7,725%/năm đối với kỳ hạn 10 năm.
Một trái phiếu đáng chú ý khác là của MBBank có kỳ hạn 7 năm, tham chiếu lãi suất 4 ngân hàng Bifg4 thì 5 năm đầu ở mức 7%, nếu mua lại trước hạn năm thứ 6 và thứ 7 lãi suất sẽ là 7,7%... MBBank phát hành trái phiếu giá trị 2 đợt 150 tỷ và 200 tỷ đồng.
Cao nhất lại thuộc về cái tên mới nổi Viet Capital Bank
Có thể nói, lãi suất trái phiếu từ các ngân hàng trên đều khá hấp dẫn. Tuy nhiên cao nhất lại thuộc về cái tên mới nổi – Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank). Trong tuần trước, ngân hàng này đã phát hành 25 triệu trái phiếu ra công chúng với tổng mệnh giá 2.500 tỷ đồng. Theo Bản Việt, sẽ có tổng cộng có 5 đợt phát hành tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc. Lãi suất trái phiếu tại đợt một cố định ở mức 8,5% một năm.
Để chào bán trái phiếu, Bản Việt đã công bố hoạt động kinh doanh khả quan 9 tháng đầu năm. Thực tế, tuy mới gia nhập thị trường chứng khoán một năm nay cổ phiếu BVB thanh khoản khá tốt. Tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch BVB trên 2,7 triệu cổ phiếu mỗi phiên, thuộc nhóm các mã cổ phiếu có tính thanh khoản cao trên sàn Upcom.
Ngoài trái phiếu, Bản Việt cũng là bank chạy lãi suất gửi tiết kiệm nằm trong top cao. Mục đích là để gia tăng lượng vốn, mở rộng quy mô kinh doanh. Viet Capital Bank đang lấy ý kiến cổ đông về việc tăng thêm 1.618 tỷ đồng vốn điều lệ.
Viet Capital Bank đang muốn nâng vốn điều lệ để mở rộng.
Trái phiếu là giải pháp thu hút vốn hiệu quả không chỉ ngành bank mà của đa số doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên trên thị trường hiện xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Đó là những trái phiếu “3 không” - không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính cho biết đã và đang tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, khung khổ pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp sẽ hướng tới mục tiêu phát triển thị trường ngày càng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
Các chuyên gia nhận định về trái phiếu ngân hàng đều cho rằng, các bank có sự uy tín hơn khi sở hữu dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, trong lúc chờ khung pháp lý mới về kênh đầu tư này, mọi người đều nên cẩn trọng để bảo vệ tài sản của mình.