Đáng nói nhất phải kể đến trường hợp của CTCP Chứng khoán thương mại và công nghiệp Việt Nam (VICS - Mã: VIG), nửa năm trở lại đây cổ phiếu VIG đã tăng từ mốc 900 đồng lên 6.100 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 4/6), tương đương tăng trên 600%.
Trước đó, cổ phiếu VIG đã bị hạn chế giao dịch từ ngày 26/4 với lý do đã lỗ sau thuế liên tiếp hai năm 2019 và 2020. Tuy nhiên đến 12/5, cổ phiếu công ty đã được dỡ bỏ hạn chế khi đã giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.
Một điểm đáng chú ý, theo báo cáo của ban kiểm soát, VIG đang có một khoản nợ có nguy cơ gây phá sản. Cụ thể, công ty có số tổng nợ gốc hơn 13 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Handico), trong đó có số gốc gần 5,9 tỷ đồng cùng khoản lãi 7,4 tỷ.
Trong diễn biến, ngày 7/5/2021, Handico đã có công văn yêu cầu VIG thanh toán toàn bộ số nợ; nếu công ty không thể thực hiện trả nợ thì Handico sẽ yêu cầu thủ tục phá sản đối với VISC.
Kết quả kinh doanh từ năm 2019 đến nay của VIG không mấy khả quan, chỉ có một quý báo lãi, tình trạng kinh doanh dưới giá vốn liên tục diễn ra.
(Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu vietstock) |
Bước sang năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 10 tỷ đồng, tương đương mức tăng 54% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng ở mức 700 triệu đồng, trong khi năm 2020 VIG ghi nhận mức lỗ hơn 3,4 tỷ đồng.
Trong quý 1/2021, doanh thu hoạt động của VIG ghi nhận gần 2 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ, hoàn thành gần 20% kế hoạch năm. Mặc dù chi phí hoạt động đã giảm 61% nhưng VIG vẫn lỗ hơn 447 triệu đồng sau thuế.
Một trường hợp nữa có giá cổ phiếu tăng đột biến trong thời gian ngắn dù kết quả kinh doanh bết bát, đó là CTCP quốc tế Hoàng Gia (Mã: RIC) khi thời gian trước cổ phiếu RIC đã bị lãng quên và thường xuyên dao động ở mức giá 4.000 đồng. Tuy nhiên, vào quý 1 năm nay cổ phiếu này bất ngờ bật tăng mạnh, đạt đỉnh hơn 46.100 đồng/cổ phiếu vào phiên 4/3, tương ứng tăng gần 10 lần so với giá hồi đầu năm.
Sau đó RIC bắt đầu đảo chiều, lao dốc mạnh, chốt phiên 4/6 đang neo ở giá 18.500 đồng/cổ phiếu, rớt gần 2,5 lần so với đỉnh, nhưng cao gần 4 lần so với giá 4.800 đồng/cổ phiếu vào hồi đầu năm.
Đáng chú ý, RIC tăng mà không một nguyên nhân nào hỗ trợ, kể cả kết quả kinh doanh. Năm 2020 RIC đạt gần 126 tỷ đồng doanh thu, giảm 37% so với năm 2019 và ghi nhận lỗ 81,5 tỷ đồng – cao hơn cả số lỗ 73 tỷ đồng trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2020 lên gần 310 tỷ đồng. Đến quý đầu năm 2021, RIC tiếp tục báo lỗ 26,6 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên 336 tỉ đồng. RIC được biết đến là đơn vị quản lý tổ hợp các khách sạn tại Thành phố Hạ Long, quản lý khu Casino và một số khu vui chơi.
Ông Đoàn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O |
Diễn biến giá cổ phiếu của CTCP Tập đoàn C.E.O (Mã: CEO) cũng khiến không ít nhà đầu tư thấy ngỡ ngàng. Từ mức giá dao động 6.000-7.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối năm 2020, sang đầu năm 2021 CEO gây chú ý khi đạt đỉnh 13.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng gấp đôi.
Cổ phiếu đạt đỉnh, hàng loạt sếp lớn của doanh nghiệp này, từ tổng giám đốc đến thành viên ban kiểm soát và nhiều người có liên quan tranh thủ ra ồ ạt "thoát hàng", bán ra cổ phiếu CEO.
Đến phiên ngày 4/6, CEO tạm neo ở mốc 10.800 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 50% so với mức giá hồi cuối năm trước.
Giá cổ phiếu tăng, nhưng theo báo cáo tài chính quý 1/2021 CEO báo lỗ ròng gần 19 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 8 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp giảm 3% so với đầu năm, xuống còn 7.203 tỷ đồng.
Một trường hợp nữa, cổ phiếu SPI của CTCP Đá Spilit đã tăng gấp 11 lần từ đầu năm 2021 đến nay. Đang duy trì mức giá dưới 2.000 đồng/cổ phiếu trong một thời gian dài, SPI bất ngờ có nhiều phiên tăng trần từ những ngày đầu năm 2021. Và chỉ 3 tháng sau đó SPI đã vượt lên trên mệnh giá (phiên giao dịch ngày 26/3/2021).
Chốt phiên 4/6 SPI giao dịch quanh mức 19.300 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản khá tốt với hàng trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
SPI được thành lập từ tháng 4/2009, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại màu và khoáng sản.
Nếu soi kết quả kinh doanh, năm 2020 SPI thậm chí lỗ lớn. Doanh thu đạt hơn 120 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2019. Tuy vậy chi phí cao dẫn đến khoản lỗ 15,5 tỷ đồng trong năm, trong khi năm 2019 vẫn ghi nhận lãi vài trăm triệu đồng.