Ngày 14-3, ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết Công an huyện đang điều tra, xác minh hiệu quả chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên (SN 1975; quê thị trấn Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đối với một số bệnh nhân ở địa phương.
Chưa có trường hợp nào khỏi bệnh
Công an huyện Bình Sơn đã đến hàng chục hộ gia đình có con, cháu từng được ông Võ Hoàng Yên khám chữa bệnh teo cơ, câm điếc bẩm sinh, viêm xoang…, đợt khám vào tháng 7-2020.
"Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào được ông Võ Hoàng Yên chữa khỏi bệnh. Tất cả gia đình mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng việc chữa bệnh của ông Yên không mang lại hiệu quả" - một cán bộ Công an huyện Bình Sơn nói.
Công an cũng chưa ghi nhận trường hợp nào mất tiền khi được ông Yên khám, tiếp xúc. Có trường hợp bệnh tình tiến triển rất ít vào thời điểm ông Yên khám. Đáng chú ý, nhiều trường hợp bị câm, điếc bẩm sinh lúc ông Yên khám thì phát âm như nói được nhưng khi về đến nhà và càng về sau đều không có tiến triển gì.
Chị Đoàn Thị Phương Hằng (ngụ xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) có con trai 11 tuổi bị bại não, được ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh vào đợt tháng 7-2020.
"Nghe bà con bảo nhau có "thần y" về chữa cho con cháu bị bệnh trong huyện, chúng tôi mừng rơi nước mắt. Tôi đưa con bị bại não đi chữa trị. Đợi chờ hơn 1 ngày, con tôi mới được đưa vào khám. Khi khám xong, gia đình làm mọi việc như hướng dẫn của ông Yên nhưng con tôi vẫn không có gì thay đổi" - chị Hằng nói.
Còn tại nhà cháu N.T.M (12 tuổi; ngụ xã Bình Phú, huyện Bình Sơn - bị bệnh câm, điếc bẩm sinh), kể từ khi được chữa bệnh trở về, cháu M. vẫn không nghe được. "Lúc chữa bệnh, ông Yên vỗ mạnh vào tai cháu mấy cái, kêu cháu nói vài tiếng. Nhưng khi về đến nhà và đến giờ này, cháu vẫn không nói được. Nhiều trường hợp khác cũng vậy" - mẹ cháu M. thông tin.
Công an tỉnh Quảng Ngãi xác minh hàng chục gia đình có con, cháu từng được ông Võ Hoàng Yên khám chữa bệnh
Thực tế khác xa với trên mạng
Chị Đặng Thị Mỹ Phước (36 tuổi; ngụ thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) nói năng không rõ ràng, tay chân bị dị tật, không cử động linh hoạt như người bình thường.
"Lúc gặp ông Yên, tôi nói được nhưng không rõ ràng, vẫn đi chùa niệm Phật. Còn tay chân vẫn đưa lên, đưa xuống được. Nhưng chẳng hiểu sao, người ta cắt ghép hình ảnh, đưa lên mạng để ca ngợi cách chữa thần kỳ của ông Yên. Thực tế từ đó đến giờ, bệnh tật của tôi vẫn không có gì thay đổi" - chị Phước nói tiếng được tiếng mất.
Chị Phan Thị Mỹ Hiệp (27 tuổi; ngụ xã Bình Long, huyện Bình Sơn) bị bệnh câm, điếc bẩm sinh. Lúc chữa trị, ông Yên nắm lưỡi chị kéo ra, vỗ vào tai mấy lần; sau đó kêu chị phát âm, nói vài từ đơn giản...
"Lúc đó, cháu tôi có lẽ bị đau nên phát âm ú ớ theo ông Yên nhưng cũng không rõ ràng... Nếu cháu tiến triển được 20%, gia đình sẽ nguyện đi theo ông Yên để chữa trị. Nhưng bây giờ, sau khi cháu chữa trị hơn nửa năm trở về mà vẫn không có gì hết. Riêng ở thôn tôi, 3 gia đình khác có con cháu được ông Võ Hoàng Yên khám bệnh cũng không cải thiện gì" - ông Phan Văn Thọ, chú ruột chị Phan Thị Mỹ Hiệp, kể.
Tạm dừng mời ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Thiết Khiêm xác nhận ông Võ Hoàng Yên về huyện Bình Sơn khám chữa bệnh cho người dân vào tháng 7-2020.
Tại địa phương, rất nhiều người nghèo, cận nghèo bị câm, điếc bẩm sinh, mắc bệnh bướu cổ, bại liệt di chứng do tai biến, khuyết tật, bệnh về xương khớp… nhưng không có tiền để chữa bệnh. UBND huyện thấy ông Yên được mọi người ghi nhận có khả năng chữa trị cho bệnh nhân bị khuyết tật vận động, câm, điếc bẩm sinh nên đã mời về địa phương khám chữa bệnh cho người dân. Toàn bộ nguồn kinh phí cho hoạt động này cũng là xã hội hóa do địa phương vận động.
Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, trong tháng 3-2021, một số tổ chức, cá nhân sẽ mời ông Võ Hoàng Yên về Quảng Ngãi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu sai phạm và tính hiệu quả trong khám chữa bệnh của ông Yên, Công an tỉnh Quảng Ngãi tham mưu tạm dừng mời ông Yên về Quảng Ngãi.
Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh đã nhận được báo cáo của Công an tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất tạm dừng việc mời và cấp phép hoạt động khám chữa bệnh đối với ông Võ Hoàng Yên trên địa bàn Quảng Ngãi.
"Hiện UBND tỉnh đã có công văn giao Sở Y tế phối hợp UBND huyện Bình Sơn kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên và cộng sự tại huyện Bình Sơn trong năm 2020" - ông Võ Phiên thông tin.
Y học cổ truyền không có cách chữa bệnh như vậy
Chiều 14-3, PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã nhận được báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận về việc khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên tại tỉnh này.
Theo ông Thịnh, Sở Y tế là đơn vị cấp phép hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền thì cũng là nơi có trách nhiệm trực tiếp quản lý, kiểm tra hành nghề. Tùy mức độ, có thể kiểm tra về chuyên môn hoặc về tai biến xảy ra nếu có đơn thư phản ánh từ người bệnh.
Trước đây, Bộ Y tế từng định triển khai thẩm định chuyên môn với cách chữa bệnh câm, điếc của ông Võ Hoàng Yên, thông qua việc lập hội đồng thẩm định, đánh giá phương pháp này. Bộ Y tế đã giao đề tài cấp bộ đó cho một trường đại học tại TP HCM để triển khai nhưng sau đó không thực hiện.
Từng quan sát ông Yên chữa bệnh cho người câm, PGS-TS Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, khẳng định trong y học không có phương pháp nào kéo lưỡi người ta ra để chữa câm. "Chứng kiến ông Yên "chữa bệnh", tôi thấy hành động rất thô bạo như vỗ vào mặt, vào tai; kéo lưỡi người ta. Về mặt chữa bệnh cũng như phục hồi chức năng thì không có kỹ thuật nào như thế" - ông Hải đánh giá.
Theo một chuyên gia y học cổ truyền, việc chữa bệnh liệt, điếc không thể khỏi nếu tế bào thần kinh đã chết đi và xơ hóa không hồi phục. Nếu đã tổn thương toàn bộ thì không thể hồi phục được. Còn nếu tổn thương một phần thì có thể khôi phục nhưng việc điều trị lâu dài.
Cà Mau, Bạc Liêu: Nghi vấn về thực lực của "thần y"
Ngày 14-3, chúng tôi tìm đến gia đình ông Huỳnh Đắc Phước (52 tuổi; ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ông Phước từng được "thần y" Võ Hoàng Yên trị bệnh câm, điếc bẩm sinh gần 10 năm trước.
Theo cụ Nguyễn Thị Mỹ (84 tuổi, mẹ ông Phước), ông Phước bị câm, điếc từ lúc 3 tuổi. Bà bươn chải đủ nghề để có tiền trị bệnh cho con nhưng không hiệu quả. Vào tháng 4-2012, thời điểm ông Phước hơn 40 tuổi, hay tin ông Yên đến Bạc Liêu trị bệnh, bà Mỹ bỏ mọi công việc để cùng con đến nhờ "thần y" ra tay cứu giúp. Lúc này, rất đông người về đây nhờ ông Yên chữa trị nên bà Mỹ phải mang theo cơm để hai mẹ con lót dạ, chờ đến lượt khám.
"Chờ từ sáng đến chiều thì hai mẹ con cũng được gặp ông Yên. Khi vào, ổng kêu con tôi úp mặt vào bụng rồi ổng lấy bàn tay vỗ tai 3 cái, sau đó kéo lưỡi, bóp họng... Do quá đau nên con tôi đã la thất thanh. Dù được ông Yên hẹn 2 hôm sau đến tiếp tục chữa trị nhưng thằng Phước quá hoảng sợ nên không dám đi. Gia đình khuyên hết lời nó mới chịu đi trị nhưng đâu lại vào đó" - bà Mỹ nói.
Dù đã được chữa trị hơn 10 năm nhưng khi nghe ai nhắc tên và xem hình của ông Yên thì ông Phước tỏ ra sợ hãi, la thất thanh rồi chạy trốn.
Những ngày gần đây, tại quê hương của ông Võ Hoàng Yên ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, người dân bàn tán xôn xao trước thông tin ông bị bà Nguyễn Phương Hằng (Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) tố lừa đảo.
Ông N.V.B (ngụ thị trấn Cái Nước) cho hay vợ cũ của ông Yên cũng có một người cháu bị tật bẩm sinh từ nhỏ đến nay. Nếu thật sự ông Yên có tài trị bệnh thì người này đã được chữa khỏi từ lâu.
Ngày 14-3, bà Huỳnh Trúc Niềm, Trưởng ấp Ngọc Hườn (thị trấn Cái Nước), kể rằng cách đây khoảng 10 tháng, ông Võ Hoàng Yên trở về địa phương thăm phần đất hương hỏa của gia đình. Lúc này, ông Yên hứa hỗ trợ địa phương làm đường giao thông nông thôn nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Đa phần người thân của ông Yên đã rời quê đi lập nghiệp cách đây nhiều năm nên phần đất hương hỏa của gia đình được giao lại cho người chú quản lý.