Ngày 6/12, bác sĩ Hồ Hữu Đức, Phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Đa tầng quận Tân Bình cho biết, hiện có 194 bệnh nhân nặng đang điều trị ở tầng 3.
Từ giữa tháng 10, số ca nhập viện tại đây gia tăng. Trong 2 tuần gần đây, trung bình mỗi ngày nhập viện từ 70-100 ca và rải đều ở 3 tầng. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã điều động thêm bác sĩ và điều dưỡng hỗ trợ giảm tải cho nhân viên y tế tại đây. Áp lực nhất là khu vực bệnh nhân nặng.
Bệnh nhân ở tầng 3 phần lớn là người lớn tuổi, bệnh nền.
Bác sĩ Hồ Hữu Đức cho biết, tuần qua bệnh viện ghi nhận 34 ca tử vong. Chủ yếu trong đó vẫn là những bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền và chưa tiêm vắc xin. Đáng chú ý, có một trường hợp trẻ tuổi, có bệnh nền nhưng theo trường phái không tiêm vắc xin, diễn tiến nặng và tử vong.
Thống kê tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình cho thấy, độ tuổi trung bình của nhóm tử vong khá cao, ở mức 72 tuổi và có nhiều bệnh lý. Riêng từ ngày 1/11 đến ngày 28/11, chỉ có 36,8% bệnh nhân tử vong được tiêm vắc xin 1 hoặc 2 mũi. Số còn lại chưa tiêm phòng.
Nhận định về số ca nặng thời gian vừa qua đang có xu hướng tăng, bác sĩ Hồ Hữu Đức cho rằng, có 2 nguyên nhân chính.
“Khi số ca tăng cao, sẽ có một tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng. Đó là việc không tránh khỏi”, bác sĩ Đức nhận định.
Theo ông, bệnh do virus nCoV gây ra hiện được điều trị triệu chứng. Dù Việt Nam đã có thuốc kháng virus, thuốc ức chế miễn dịch, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như lọc máu, ECMO… nhưng cũng là điều trị những triệu chứng sau khi bệnh nhân đã mắc bệnh.
Số ca nhiễm càng cao, kéo theo tỷ lệ ca nặng tăng. Hiện nay, bệnh chỉ có thể dự phòng bằng vắc xin.
Nguyên nhân thứ 2, bác sĩ Hồ Hữu Đức cho rằng, số tử vong chủ yếu là người lớn tuổi và có bệnh nền. Ở người lớn tuổi, sức đề kháng kém, Covid-19 tác động khiến cho bệnh nền mất ổn định, nguy cơ tử vong càng cao hơn.
Cùng quan điểm, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại Khu cách ly E trong 3 tháng qua, tỷ lệ tử vong ghi nhận ở mức 28%. Con số này tương ứng với các trung tâm Covid-19 khác, tức là dưới 35%.
“Tuy nhiên, đó là tỷ lệ chung. Nếu phân tích sâu hơn, tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân nặng phải thở máy lên đến gần 70%. Với bệnh nhân có thêm bệnh nền, người lớn tuổi thì tỷ lệ còn cao hơn nữa”, TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết.
TP.HCM hiện có 431 ca nặng đang thở máy, 14 ca can thiệp ECMO.
Bác sĩ Hùng cho rằng, nhiều người trước đó thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin do bệnh lý không ổn định, có thể đối diện với những tai biến phụ. Nếu không may mắc Covid-19, diễn tiến sẽ rất nghiêm trọng. Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà là tình hình chung của thế giới.
“Chúng ta phải rà soát lại tất cả những bệnh nhân trong nhóm này. Trong thời điểm hiện tại, họ đã đủ tiêu chuẩn tiêm vắc xin, cần nhanh chóng lập danh sách để phòng bảo vệ những người yếu thế”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Do đó, khi chưa được tiêm vắc xin Covid-19, người có bệnh nền phải thực hiện 5K một cách tuyệt đối, kể cả trong gia đình để tránh lây nhiễm và trở nặng.
Với giả thiết vắc xin Covid-19 đã giảm hiệu lực sau tiêm 6 tháng, dẫn đến nhiều người ở TP.HCM mắc bệnh dễ nguy kịch, bác sĩ Hồ Hữu Đức cho rằng chưa có cơ sở và bằng chứng y học nào về việc này.
“Chúng ta không thể kỳ vọng không còn ca mắc hay không còn ca tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ đó sẽ tập trung vào nhóm lớn tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin.”, bác sĩ Đức khẳng định.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, tính đến 18h ngày 5/12 TP hiện có 431 ca nặng đang thở máy, 14 ca can thiệp ECMO. Tổng số ca nhiễm đang điều trị là 13.681 bệnh nhân.
Đáng chú ý, riêng ngày 5/12, TP có 94 trường hợp tử vong. Con số này tăng hơn so với hai ngày trước, cụ thể ngày 4/12 có 69 ca, ngày 3/12 có 75 ca tử vong.